I. ĐÔI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA ICAC HONG KONG
Uỷ ban độc lập chống tham nhũng Hong Kong (Independent commision against corruption – viết tắt ICAC) được thành lập năm 1974 xuất phát từ yêu cầu bức thiết của xã hội HongKong khi đó, khi mà Người Hongkong coi là thời kỳ “đen tối” nhất của HongKong với nạn tham nhũng tràn lan khắp nơi, đặc biệt là hành vi tham nhũng có tổ chức xảy ra trong hệ thống cơ quan công quyền, nhất là lực lượng thực thi pháp luật. Đỉnh điểm là năm 1974 khi một quan chức cảnh sát cấp cao đang trong thời gian bị câu lưu điều tra các cáo buộc tham nhũng nhưng được tại ngoại đã bỏ trốn khỏi Hongkong, trở thành giọt nước tràn ly đã làm cho dân chúng phẫn nộ, phản ứng mạnh mẽ với hàng loạt các cuộc biểu tình lớn diễn ra rầm rộ, kéo dài đòi lập lại trật tự công bằng xã hội, đòi phải bắt và trừng trị viên cảnh sát và những người có hành vi tham nhũng, làm cho chính quyền HongKong khi đó không thể tiếp tục làm ngơ, vì vậy, Cơ quan lập pháp và người đứng đầu HongKong đã chính thức tuyên chiến với tệ nạn tham nhũng, tiến hành thông qua sắc lệnh về chống tham nhũng và thành lập cơ quan độc lập chống tham nhũng để thực thi các biện pháp phòng chống tham nhũng.
Theo Hiến pháp sửa đổi và sắc lệnh chống tham nhũng, sắc lệnh thành lập ICIA thì Uỷ ban độc lập chống tham nhũng (ICAC) – là tổ chức độc lập, chuyên trách phòng chống tham nhũng và trực thuộc Trưởng đặc khu hành chính; nhiệm vụ chủ yếu của ICAC là thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và toàn quyền điều tra, đấu tranh với các hành vi tham nhũng.
Mô hình tổ chức hoạt động của ICAC HongKong như sau:
Chiến lược hoạt động của ICAC là “ 3 mũi nhọn, 3 trọng điểm”:
(1) Đấu tranh ngăn chặn hành vi tham nhũng
(2) Bịt các lỗ hổng để hạn chế nguy cơ tham nhũng
(3) Giáo dục đạo đức liêm chính để thay đổi nhận thức, chung tay phòng chống tham nhũng.
Các nhiệm vụ mũi nhọn phải thực hiện:
(1) Trấn áp các hành vi tham nhũng:
Kiên quyết thực thi pháp luật bài trừ các hành vi tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực thực thi pháp luật, các hoạt động kinh tế khu vực công.
(2) Chủ động tiếp cận phòng ngừa sớm, thường xuyên, liên tục để phòng ngừa, loại trừ tham nhũng ngay ban đầu.
(3) Tích cực hoạt động tuyên truyền, giáo dục để xây dựng ý thức, đạo đức liêm chính trong xã hội.
Chính quyền Hongkong và ICAC xác định, tham nhũng là một hiện tượng xã hội, việc đấu tranh phòng chống tham nhũng là một quá trình đòi hỏi phải kiên trì thực hiện trong thời gian dài với quyết tâm cao, có chiến lược và bước đi thích hợp ở từng giai đoạn để thực hiện.
Trong giai đoạn đầu, mũi nhọn 1: Trọng tâm của ICAC là đấu tranh, trấn áp, xử lý nghiêm minh những hành vi tham nhũng trong lĩnh vực thực thi pháp luật thuộc nhiệm vụ của cơ quan cảnh sát, các cơ quan cấp phép hoặc cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp; bài trừ hành vi tham nhũng có tổ chức.
Bên cạnh đó, tiến hành rà soát lại các quy định, quy trình thủ tục, cải tiến cách làm việc để bịt các lỗ hổng về quản lý giảm thiểu tối đa các kẽ hở – điều kiện làm phát sinh hành vi tham nhũng. Bổ sung các quy định về đạo đức công vụ, đạo đức liêm chính đối với người thực thi công vụ; giáo dục đạo đức liêm chính cho người thực thi công vụ; thực hiện các biện pháp phối hợp giám sát việc chấp hành quy định về đạo đức liêm chính với người thực thi công vụ,…
Từng bước củng cố niềm tin của dân chúng vào quyết tâm và hoạt động chống tham nhũng của chính quyền, thông qua hoạt động tuyên truyền, thông tin công khai việc xử lý những người có hành vi tham nhũng; kiên trì vận động người dân đứng ra tố cáo hành vi tham nhũng,…
Kết quả là hàng loạt quan chức, người thi hành công vụ có hành vi tham nhũng đã bị bắt và xử lý, tình trạng tham nhũng có tổ chức và bắt tay tham nhũng giữa một số quan chức với băng đảng xã hội đen bị phanh phui, ngăn chặn, xử lý đã tạo ra bước chuyển biến quan trọng trong côn cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Trọng tâm, mũi nhọn 2: Bên cạnh việc ngăn chặn, đẩy lùi hành vi tham nhũng có tổ chức, ICAC triển khai thực hiện công tác phòng ngừa các hành vi tham nhũng phát sinh, nhất là việc phát hiện và triệt tiêu các điều kiện làm nơi dung dưỡng cho tham nhũng phát sinh, phát triển.
ICAC đã tập trung vào việc tham gia giám sát phòng ngừa sớm, bằng cách cử nhân viên tham gia nghiên cứu, tư vấn phòng ngừa tham nhũng trong nội bộ cơ quan công quyền khi thực thi nhiêm vụ, như phát hiện kẽ hở, khoảng trống pháp lý trong các quy định thực thi công vụ; tham gia giám sát, tư vấn khuyến cáo các quy chế, quy định trong đấu thầu, hồ sơ mời thầu… cung ứng dịch vụ công, thực hiện dự án đầu tư, mua sắm; quy định cấp phép… nhằm bịt kẽ hở trong các quy định tạo điều kiện cho tham nhũng; phối hợp với các cơ quan quản lý, cung ứng dịch vụ công để giảng dạy, thiết lập cơ chế kiểm tra, kiểm soát việc thực thi đạo đức liêm chính trong cơ quan Nhà nước. Đồng thời tiếp tục tiến hành công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích dân chúng tham gia phát hiện, tố cáo các hành vi tham nhũng.
Trọng tâm, mũi nhọn thứ 3 là giáo dục và thiết lập nền tảng đạo đức xã hội liêm chính. Đây là một nhiệm vụ rất to lớn, kỳ vọng hướng tới một xã hội lành mạnh, liêm chính, nhân văn là cơ sở bền vững bài trừ tệ tham nhũng. Để đạt được điều đó đòi hỏi có sự tham gia của cả xã hội với sự phấn đấu kiên trì, liên tục để tác động tới nhận thức của xã hội, để mỗi người đều nhận thức được “tham nhũng là xấu sa, là tội ác”
Với mục tiêu đó, chiến lược mà ICAC nêu ra là giáo dục đạo đức xã hội liêm chính đến tất cả các thành phần, các đối tượng trong xã hội. Bao gồm:
(1) Chương trình giáo dục phòng, chống tham nhũng ở lứa tuổi thanh, thiếu niên
ICAC đã nghiên cứu và phối hợp với cơ quan giáo dục để xây dựng tài liệu giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng đưa vào chương trình học phổ thông.
Cụ thể là:
– Đối với học sinh tiểu học, nội dung tài liệu ngắn gọn đơn giản phù hợp với nội dung dạy đạo đức, giáo dục công dân, phù hợp với lứa tuổi của các bé; hình thức thể hiện sinh động cuốn hút các em (truyện tranh, video ngắn…), mục tiêu định hình ý thức của trẻ em tránh các hành vi lệch chuẩn – nguyên nhân chủ quan dẫn đến hành vi tham nhũng sau này và hành vi xử sự phản ứng với các hành vi lệch chuẩn đó.
– Đối với thiếu niên là học sinh bậc phổ thông trung học cơ sở nội dung giảng dạy được nâng lên ở mức độ nhận thức cao hơn đó là chấp hành quy định pháp luật, quy định của Nhà trường,… thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình với gia đình, nhà trường, cộng đồng; xác định được đâu là các hành vi tham nhũng và quyền tự bảo vệ mình trước hành vi tham nhũng.
Ở độ tuổi này, các em từng bước khẳng định mình, ý thức được vai trò của mình trong nhà trường, gia đình, cộng đồng nhỏ; các em đã phát triển và dần khẳng định cái tôi của mình do vậy các em có thể hiểu cái được làm hoặc không được làm, nhưng hiểu biết, ý thức về hậu quả còn hạn chế, tâm lý thiếu ổn định.
– Đối với thanh niên, ICAC xác định là lực lượng chủ chốt trong xã hội, có nhận thức nhanh, sức khoẻ tốt và nhiệt huyết – là lực lượng quan trọng tham gia công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng nên cần có hình thức, cách thức giáo dục, tổ chức vận động riêng với nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với hoạt động của lứa tuổi thanh niên để thu hút và huy động thanh niên tham gia hoạt động tuyền truyền, giáo dục, phòng ngừa và dấu tranh PCTN trong cộng đồng.
(2) Đối với công chức, nhân viên cơ quan công quyền thì nội dung học tập và thực hiện các quy định về đạo đức liêm chính là một nội dung bắt buộc.
(3) Đối với các đối tượng là doanh nhân, người kinh doanh… việc giáo dục liêm chính được thực hiện thông qua phối hợp với các tổ chức nghề nghiệp; xã hội nghề nghiệp để thực hiện, nội dung tập trung vào nội dung phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực tư và đạo đức liêm chính trong kinh doanh.
(4) Đối với các đối tượng dân cư khác, ICAC thông qua 07 văn phòng ở 7 khu vực để triển khai hoạt động tuyên truyền và phổ biến nội dung về xã hội đạo đức liêm chính, xây dựng phong trào thi đua thực hiện các nội dung về xã hội đạo đức liêm chính (hội thi tìm hiếu về pháp luật PCTN của người cao tuổi…)
Theo trao đổi của ICAC, với chiến lược như nêu trên và sự kiên trì nỗ lực thực hiện của Chính phủ và ICAC, sau 20 năm kể từ khi thành lập ICAC (1974), hành vi tham nhũng có tổ chức cơ bản được ngăn chặn và đến thời điểm này, Hong kong từ một vùng lãnh thổ có tệ tham nhũng nghiêm trọng, nay trở thành một vùng lãnh thổ được quốc tế đánh giá là một trong số ít các quốc gia, vùng lãnh thổ có tham nhũng khu vực công thấp nhất (tỷ lệ tham nhũng trong khu vực công chỉ chiếm 26%). Tuy nhiên ICAC đang rất trăn trở vì những năm gần đây, tỷ lệ tham nhũng trong khu vực tư lại đang tăng lên nhanh chóng, nhưng rất khó kiểm soát vì lĩnh vực hoạt động dân sự – tư nhân do các ông chủ tư nhân tự chịu trách nhiệm và giải quyết theo trình tự, thủ tục của pháp luật tư pháp.
Thời cơ và thách thức trong quá trình thực hiện
(1) Thời cơ:
– Sự đồng tình ủng hộ của xã hội, đây là yếu tố quan trọng là nguồn sức mạnh to lớn để ICAC thực hiện thành công mục tiêu, chiến lược đề ra. Vào thời kỳ này và tiếp sau đó do được xã hội ủng hộ, coi trọng nên ICAC tuyển dụng được những người có trình độ, bản lĩnh cao, nhất là tinh thần tự nguyện tham gia công tác PCTN, mặc dù thu nhập không phải là quá ưu đãi và có đội ngũ cộng tác viên đông đảo.
– Quyết tâm của Nhà nước – là yếu tố quyết định sự tồn tại, phát triển và thành công của ICAC trong phòng chống tham nhũng. Chính phủ đã trao cho ICAC thẩm quyền đủ lớn để thực thi nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ điều tra chống tham nhũng, phòng ngừa tham nhũng và đảm bảo kinh phí cần thiết cho hoạt động và có chế độ đãi ngộ tương xứng cho nhân viên ICAC.
(2) Thách thức
+ Sự chống đối của nhóm lợi ích và xa lánh của nhân viên công vụ
Sự phản ứng quyết liệt của nhóm lợi ích gây nhiều khó khăn cho ICAC khi triển khai thực hiện nhiệm vụ. Thậm chí trong giai đoạn đầu, nhân viên ICAC còn thường xuyên bị uy hiếp an toàn tính mạng của mình và gia đình. Tìm nhiều cách mua chuộc, cám dỗ nhân viên ICAC; chạy vạy tác động khác đến người thi hành công vụ; sự ngại ngần, xa lánh của nhân viên công vụ, nhất là thời gian đầu…
+ Kinh nghiệm về phòng chống tham nhũng
Vào thời kỳ đầu, kinh nghiệm PCTN của đội ngũ lãnh đạo, nhân viên ICAC còn hạn chế nên phải vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm để hoàn thành nhiệm vụ.
+ Nguồn lực để thực hiện
Mặc dù được Chính phủ quan tâm, nhưng với những nhiệm vụ to lớn, nguồn kinh phí cấp cũng không thể đáp ứng đầy dủ theo yêu cầu công việc, do đó, ICAC đã chủ động lựa chọn các mục tiêu ưu tiên để thực hiện phù hợp với khả năng tài chính, bên cạnh đó, ICAC thực hiện các hình thức quảng bá huy động sự tài trợ từ cộng đồng, như phát hành ấn phẩm, tài liệu giáo dục… phối hợp với các cơ quan, tổ chức, tư nhân thực hiện các hoạt động quảng cáo, tuyên truyền, phổ biến pháp luật….
II. NHỮNG BÀI HỌC RÚT RA TỪ KHOÁ HỌC
Các quy định và nội dung về công tác phòng chống tham nhũng của HongKong về cơ bản tương tự như các nội dung mà Việt Nam quy định; thậm chí ở một số nội dung quy định còn chưa cụ thể, tỉ mỉ bằng Việt Nam. Tuy nhiên, điểm khác biệt là cách tổ chức thực hiện và hiệu quả đạt được. Sở dĩ công tác phòng chống tham nhũng của ICAC HongKong thu được hiệu quả cao là do:
1. Phương châm của ICAC
ICAC quán triệt rõ mục tiêu hoạt động của tổ chức, giữ vững kỷ luật nội bộ; tranh thủ được sự ủng hộ của Cơ quan cấp trên và xã hội. Kịp thời nắm bắt thời cơ; đánh giá, xác định rõ những khó khăn thách thức để tìm phương án khắc phục, biến khó khăn thách thức thành cơ hội để phát triển; chủ động, kiên trì, đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao để thực hiện mục tiêu.
Đối với Trường Cán bộ Thanh tra cần quát triệt tốt mục tiêu hoạt động đào tạo của Nhà trường, nhất là đang tiến tới tự chủ tài chính.
Trong đào tạo, chuyên đề giảng dạy chuyên sâu về phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ, do đó, chuyên đề PCTN là nội dung bắt buộc phải đưa vào giảng dạy ở trường cán bộ thanh tra.
Để phát triển và đưa nội dung giảng dạy các chuyên đề về phòng chống tham nhũng cho ngành và cho xã hội, Nhà trường cần được sự ủng hộ của Thanh tra Chính phủ; của Đảng, Chính phủ, cũng như các cơ quan hữu quan và phải biết khơi dậy sự quan tâm của xã hội về nội dung này.
Nhà Trường cần đánh giá đúng cơ hội và thách thức đặt ra khi phát triển, mở rộng nội dung, đối tượng đào tạo để có phương án phù hợp với bước đi có tính khả thi cao. Cụ thể là nghiên cứu phát triển đối tượng đào tạo, bồi dưỡng; tài liệu giáo trình và đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy.
Đoàn kết, thống nhất ý chí, quyết tâm đổi mới phát triển là nền tảng giúp Nhà trường huy động trí tuệ tập thể cùng vượt qua khó khăn, thực hiện thành công mục tiêu, kế hoạch của tổ chức, do đó, phải củng cố tốt đoàn kết nội bộ và duy trì nghiêm tính kỷ luật nội bộ, chống biểu hiện cá nhân, cục bộ.
2. Hoạch định chiến lược cẩn trọng, khoa học, chính xác
Qua nghiên cứu quá trình hình thành, phát triển và kết quả đạt được của ICAC Hongkong cho thấy, sở dĩ ICAC đạt được thành công là do đã làm tốt công tác hoạch định chiến lược tổng thể phòng chống tham nhũng, với việc xác định nội dung, trọng tâm, trọng điểm, bước đi, cách thức tiến hành một cách thận trọng và chính xác.
Đối với Nhà trường, chúng ta có thể học cách tiếp cận xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng về phòng ngừa tham nhũng của ICAC để xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng về nội dung này, cũng như những nội dung về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, làm cơ sở phát triển các chương trình tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu biên soạn các hệ tài liệu giáo dục, đào tạo- bồi dưỡng có chất lượng; xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với nghề đủ khả năng thực hiện mục tiêu đề ra.
3. Tổ chức thực hiện
– Trên cơ sở chiến lược được xây dựng, Nhà trường nên xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện trên cơ sở lựa chọn mục tiêu ưu tiên theo trọng tâm, trọng điểm và tình hình tự chủ kinh phí. Kết hợp đào tạo, bồi dưỡng theo đơn đặt hàng của Chính phủ, của Tổng thanh tra với việc chủ động mở rộng bồi dưỡng kiến thức theo yêu cầu của các địa phương, cơ quan, tổ chức trong cả nước.
– Trước mắt, đề xuất với Tổng thanh tra bổ sung nội dung giảng dạy về nghiệp vụ phòng chống tham nhũng cho thanh tra viên, bao gồm cả nội dung quy định pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ phòng chống tham nhũng. Tiến tới xây dựng chương trình, nội dung giáo dục đạo đức xã hội liêm chính trong trường học/ trong thanh niên sinh viên/ trong đơn vị sự nghiệp công/trong cộng đồng.
– Đối với nội dung về tiếp công dân/ khiếu nại/tố cáo, Nhà trường cũng nên tiếp cận theo hướng trên trong bồi dưỡng pháp luật tiếp công dân/ khiếu nại/ tố cáo để rà soát lại, hoàn thiện chương trình hiện có và tiếp tục mở rộng đối tượng cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
– Tổ chức soạn và giảng dạy thí điểm hệ bồi dưỡng kiến thức phòng chống tham nhũng trong các đơn vị sự nghiệp công, dự án mua sắm, đầu tư xây dựng dự án công và doanh nghiệp khu vực tư.
– Các khoa và giảng viên trên cơ sở nghiên cứu cách tiếp cận của ICAC để bổ sung nội dung, cách giảng dạy các chuyên đề hiện nay.
ThS. Doãn Trung Thông – Trưởng Khoa NV2 – Trường Cán bộ Thanh tra
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn http://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)