Năm 2022, công tác xử lý sau thanh tra của tỉnh Thái Bình đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Đến nay, chưa có kết luận thanh tra nào của Chánh Thanh tra tỉnh được Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện và đưa vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh chỉ đạo; tỷ lệ thu hồi kinh tế đạt con số ấn tượng: 99,65%.
Trong năm, Thanh tra tỉnh Thái Bình đã tổ chức theo dõi 13 kết luận thanh tra. Quá trình theo dõi, đã ban hành 14 văn bản đôn đốc các cơ quan, đơn vị báo cáo việc thực hiện kết luận thanh tra.
Với cách làm bài bản, sự vào cuộc quyết liệt, cơ bản các kiến nghị về công tác quản lý Nhà nước đã được đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc.
Đối với việc đôn đốc thực hiện các kiến nghị về kinh tế, năm 2022, số tiền phải thu hồi từ các cuộc thanh tra của năm là 19.660.180.930 đồng; đến nay, đã thu hồi về ngân sách Nhà nước 19.592.230.930 đồng, đạt 99,65%, số còn phải đôn đốc thu hồi là 67.950.000 đồng (tiền quyết toán tăng giá trị công trình).
Cùng với đó, Thanh tra tỉnh cũng đã tích cực tập trung đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra của các năm trước; qua đó, đã thu hồi gần 4 tỷ đồng về ngân sách Nhà nước.
Quá trình theo dõi việc xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sau thanh tra cho thấy, các đơn vị chức năng đã xử lý cảnh cáo 1 người; khiển trách 2 người; các tập thể, cá nhân có liên quan đến tồn tại, hạn chế theo kết luận thanh tra đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc.
Ngoài ra, Thanh tra tỉnh đã báo cáo kết quả thực hiện Kết luận thanh tra số 157 ngày 21/8/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh, Kết luận thanh tra số 601 ngày 10/8/2022 của Chánh Thanh tra tỉnh về mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm, giá xét nghiệm… với Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh để chỉ đạo. Đến nay, cơ bản các kiến nghị theo kết luận thanh tra đã được khắc phục.
Theo dõi, đôn đốc và tham mưu UBND tỉnh có báo cáo kết quả thực hiện Kết luận thanh tra số 1137 ngày 10/7/2019 của Tổng Thanh tra Chính phủ (từ ngày 1/11/2021 đến ngày 15/9/2022) với Thanh tra Chính phủ; báo cáo kết quả thực hiện các cuộc thanh tra kinh tế – xã hội, kết luận, kiến nghị của Kiểm toán, Thanh tra Chính phủ, thanh tra bộ, ngành năm 2021 của các sở, ban, ngành theo yêu cầu của UBND tỉnh…
Thanh tra tỉnh Thái Bình đánh giá, năm 2022, ngành Thanh tra tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đặc biệt trong việc theo dõi, đôn đốc xử lý sau thanh tra. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc chỉ đạo tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý sau thanh tra của thủ trưởng một số cơ quan quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra chưa kịp thời và chưa được quan tâm đúng mức; một số đối tượng thanh tra chưa nhận thức và triển khai đầy đủ các kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, nên việc tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả còn chậm, không gửi tài liệu chứng minh việc thực hiện.
Mặt khác, thực tiễn quá trình triển khai cho thấy, có tình trạng tổ chức, cá nhân sai phạm có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng thực hiện nộp số tiền sai phạm hoặc đã bị giải thể, thay đổi địa chỉ kinh doanh sang địa phương khác, dẫn đến việc thu hồi gặp khó khăn; có nhiều trường hợp không thể thu hồi được dẫn đến việc theo dõi thu hồi tiền vi phạm qua thanh tra kéo dài, nhưng không có quy định xử lý những trường hợp này…
Để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc theo dõi, đôn đốc xử lý sau thanh tra ở những năm tiếp theo, Thanh tra tỉnh Thái Bình cho rằng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra; đặc biệt là xử lý các sai phạm về kinh tế và xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm.
Thực hiện công khai, minh bạch kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Đối với các quyết định thu hồi tiền liên quan đến lĩnh vực thuế, phải tính tiền chậm nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định như ngừng sử dụng hóa đơn của đơn vị chậm nộp, thông báo rộng rãi không cho doanh nghiệp tham gia các dự án trên địa bàn tỉnh, phong tỏa tài khoản theo quy định.
Tăng cường học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị, địa phương. Chú trọng củng cố, kiện toàn cán bộ có kinh nghiệm, năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ làm nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra và thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác này…
Với sự chỉ đạo quyết liệt, bài bản, thời gian qua, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã thực sự phát huy vai trò, hiệu quả; các kết luận, kiến nghị thanh tra được triển khai thực hiện nghiêm túc; qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, củng cố thêm niềm tin của nhân dân với Đảng và chính quyền địa phương./.
Trọng Tài
(Nguồn: Thanhtra.com.vn)
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)