Việc phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn của Trường Cán bộ thanh tra là một yêu cầu khách quan và bức thiết vì những lý do sau:
1.1. Yêu cầu của việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của Thanh tra Chính phủ: Đào tạo, bồi dưỡng là một trong những nội dung quan trọng của quản lý Nhà nước. Theo các quy định hiện hành, TTCP có chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết KNTC và phòng chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Đối tượng quản lý nhà nước là tất cả các cơ quan, tổ chức trong 03 lĩnh vực quản lý là thanh tra (bao hàm cả công tác thanh tra nội bộ trong các cơ quan, tổ chức, công tác thanh tra nhân dân ở xã phường, thị trấn và ở các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, Đơn vị sự nghiệp công), giải quyết khiếu nại, tố cáo (bao hàm cả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư) và phòng, chống tham nhũng. Với tư cách là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng duy nhất của ngành thanh tra, những năm qua, Trường Cán bộ thanh tra đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thanh tra Chính phủ, thanh tra các Bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, hiện nay Nhà trường vẫn chủ yếu tập trung vào việc đào tạo nghiệp vụ TTV, TTVC và TTVCC. Đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng chủ yếu là đội ngũ cán bộ của các cơ quan Thanh tra Nhà nước (bao gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, Thanh tra Tỉnh, Thanh tra Sở và Thanh tra huyện) mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng khác thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra. Vì thế việc bồi dưỡng kiến thức, phổ biến các quy định về các lĩnh vực trên đến các đối tượng quản lý là nhiệm vụ của TTCP, trong đó có trường CBTT. Các đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng không chỉ là đội ngũ cán bộ thanh tra mà còn có các cơ quan, tổ chức khác. Nói cách khác, phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho các đối tượng khác, ngoài đội ngũ cán bộ thanh tra là trách nhiệm của Trường Cán bộ thanh tra nhằm thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ theo quy định của pháp luật. Ngoài đối tượng đào tạo là đội ngũ cán bộ thanh tra, cần mở rộng diện đào tạo bồi dưỡng đến các đối tượng khác như cán bộ quản lý.
1.2. Yêu cầu của việc nâng cao kĩ năng nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ thanh tra gắn với vị trí việc làm. Hiện nay, cả nội dung của cả 03 hệ đào tạo TTV, TTVC và TTVCC mới chỉ tập trung vào những vấn đề nghiệp vụ cơ bản, chưa mang tính chuyên sâu cho từng nhóm đối tượng chuyên biệt theo vị trí việc làm. Các chương trình này có tính phổ cập chung cho tất cả các vị trí việc làm của đội ngũ cán bộ thanh tra ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương. Trong khi đó, Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cũng mới chỉ hướng đến việc trang bị những kiến thức cơ bản và đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn nghiệp vụ theo ngạch bậc chứ chưa thực sự hướng đến việc đào tạo kĩ năng làm việc, nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu công việc. Vì thế, đó là một trong những khiếm khuyết cần sớm được khắc phục vì những lý do sau:
– Đào tạo, bồi dưỡng là một trong những nội dung quan trọng của quản lý nhà nước. Theo các quy định hiện hành, TTCP có chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết KNTC và phòng chống tham nhũng. Vì thế việc bồi dưỡng kiến thức, phổ biến các quy định về các lĩnh vực trên đến các đối tượng quản lý là nhiệm vụ của TTCP, trong đó có trường CBTT. Các đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng không chỉ là đội ngũ cán bộ thanh tra mà còn có các cơ quan, tổ chức khác.
– Ngoài những nội dung được đào tạo ở các chương trình TTV, TTVC, TTVCC thì việc bổ sung những kiến thức, kĩ năng chuyên sâu về nghiệp vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; những kiến thức bổ trợ trong thời kỳ hội nhập quốc tế, quản lý nền kinh tế thị trường… là hết sức cần thiết cho mỗi cán bộ thanh tra trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình.
– Tiến trình xây dựng Học viện thanh tra theo Chiến lược phát triển ngành thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng đặt ra yêu cầu đa dạng hóa các chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Mô hình của Học viện trước mắt là Học viện đào tạo nghề, vì thế, các chương trình ngắn hạn chiếm một vị trí quan trọng.
1.3. Yêu cầu của việc thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của Nghị định 18/2010/NĐ-Cp ngày 5 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ, một trong những nguyên tắc trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng công chức là “kết hợp cơ chế phân cấp và cơ chế cạnh tranh”. Theo đó, mỗi cơ sở đào tạo, bồi dưỡng công chức ngoài việc thực hiện chỉ tiêu đào tạo theo phân cấp còn phải tham gia cung cấp các dịch vụ đào tạo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình trên nguyên tắc cạnh tranh về chất lượng dịch vụ. Hiện nay, về cơ bản, Trường cán bộ thanh tra mới chủ yếu thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng theo chỉ tiêu do Tổng thanh tra chính phủ giao đối với các hệ Thanh tra viên, Thanh tra viên chính và Thanh tra viên cao cấp cho đội ngũ cán bộ trong ngành mà chưa có sự chủ động mở rộng về chương trình đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ của các đối tượng khác. Ngay cả đối với cán bộ trong ngành, Nhà trường cũng mới chủ yếu tập trung thực hiện được một trong 04 chế độ đào tạo, bồi dưỡng theo Điều 4 của Nghị định này, đó là “Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức” và còn bỏ trống gần như toàn bộ 03 chế độ khác, là hướng dẫn tập sự đối với công chức trong thời gian tập sự; đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý và bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu kiến thức, kỹ năng chuyên ngành hàng năm (thời gian thực hiện là 01 tuần/01 năm; một tuần được tính bằng 05 ngày học, một ngày học 08 tiết). Như vậy, đến nay, so với quy định của Nghi định,Trường cán bộ thanh tra còn thiếu nhiều chương trình, tài liệu thuộc hai nhóm là chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh lãnh đạo, quản lý và chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bao gồm:
– Các chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chuyên ngành;
– Các chương trình, tài liệu bồi dưỡng cập nhật theo vị trí việc làm.
1.4. Yêu cầu của việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập. Chủ trương của Đảng và Nhà nước trong thời gian tới là tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp, chuyển dần từ thực hiện nhiệm vụ được giao sang chủ động về kế hoạch và cung cấp dịch vụ công. Nhà nước cũng giảm dần theo lộ trình việc cấp ngân sách chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp. Tuy nhiên, việc tăng nguồn thu để đảm bảo sự tự chủ về tài chính phải gắn với việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị. Là một đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, trường cán bộ thanh tra phải xác định việc tăng nguồn thu không gì khác là phải dựa trên việc phát triển quy mô đào tạo, bồi dưỡng. Phát triển các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn chính là việc tạo ra các sản phẩm dịch vụ để tham gia vào thị trường đào tạo. Phải đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ mới có thể tăng nguồn thu một cách hợp pháp và giảm bớt sự bao cấp về kinh phí của Nhà nước cho đơn vị. Đồng thời, xã hội cũng được hưởng lợi từ việc cung cấp dịch vụ của bản thân mỗi đơn vị. Nói cách khác, xây dựng chương trình bồi dưỡng ngắn hạn là một yêu cầu tất yếu, khách quan để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, thiết thực phục vụ cho sự tồn tại, phát triển của đơn vị và đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Vũ Văn Chiến – TTVCC, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)