Mục tiêu vào Top 30 thế giới, hạ tầng phải đi trước một bước

Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Chính phủ điện tử là Chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để nâng cao hiệu quả hoạt động. Chính phủ điện tử là Chính phủ tin học hoá các quy trình đã có, cung cấp trực tuyến các dịch vụ công. Mục tiêu chính của Chính phủ điện tử là đưa 100% dịch vụ công lên trực tuyến.

Chính phủ số thì là toàn bộ hoạt động trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại, vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số. Chính phủ số là chính phủ đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi quy trình làm việc, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ và nhanh chóng cung cấp các dịch vụ công mới.

Theo Cục trưởng Cục Bưu điện Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trần Duy Ninh, Chiến lược Chính phủ số đặt mục tiêu năm 2025, Việt Nam vào Top 50 và năm 2030 vào Top 30 thế giới. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, khi năm 2020 Việt Nam xếp hạng thứ 86.

Để đạt được mục tiêu trên, hạ tầng phải đi trước một bước, phải làm chủ hạ tầng số, bởi hạ tầng số đóng vai trò quyết định để phát triển, hướng tới xây dựng chính phủ số như lời Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 “Coi hạ tầng số cũng quan trọng như hạ tầng giao thông. Hạ tầng giao thông là dòng chảy vật chất. Hạ tầng số là dòng chảy dữ liệu. Hai dòng chảy này phải luôn tương xứng với nhau”.

Phát triển, hoàn thiện hạ tầng hiện đại, an toàn, hướng tới xây dựng Chính phủ số
Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đã hoạch định rõ các mục tiêu. Ảnh: Vtv

Ba giải pháp hoàn thiện hạ tầng, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ số

Tại Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đã chỉ rõ các thành phần của hạ tầng số phục vụ Chính phủ số gồm mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước (mạng TSLCD); nền tảng điện toán đám mây Chính phủ và mạng Internet băng rộng. Trong đó, mạng truyền số liệu chuyên dùng do Cục Bưu điện Trung ương quản lý, vận hành là hạ tầng cốt lõi của hạ tầng số phục vụ Chính phủ số.

Theo Cục trưởng Cục Bưu điện Trung ương, với vai trò là đơn vị chủ trì quản lý vận hành mạng TSLCD, Cục Bưu điện Trung ương triển khai một số giải pháp để phát triển, hoàn thiện mạng TSLCD đáp ứng yêu cầu là hạ tầng phục vụ Chính phủ số.

Một là, mở rộng phạm vi kết nối: Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong vòng 03 tháng trong năm 2022, Cục Bưu điện Trung ương đã chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh/thành phố, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) hoàn thành kết nối đến 100% các đơn vị cấp xã trên phạm vi toàn quốc; đảm bảo sẵn sàng hạ tầng phục vụ triển khai các nền tảng, ứng dụng chính phủ số xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.

Hai là, hiện đại hóa, tăng cường năng lực mạng. Trong xu hướng chung về chuyển đổi số, với mục tiêu dần chuyển đổi sang xu hướng mạng cung cấp dưới dạng dịch vụ (NaaS – Network as a Service), mạng TSLCD được triển khai nâng cấp, hiện đại hóa theo công nghệ mạng định tuyến phân đoạn mạng (Segment Routing) kết hợp kiến trúc mạng định nghĩa bằng phần mềm (SDN – Software Defined Network).

Ba là, Bảo đảm an toàn thông tin, giám sát kiểm soát truy nhập các kết nối vào mạng. Với nhận thức rằng công nghệ mới, hạ tầng mới đồng hành với những nguy cơ, thách thức về chất lượng dịch vụ, an toàn thông tin. Cục Bưu điện Trung ương đề xuất thiết lập hệ thống giám sát an toàn thông tin (SOC) tập trung mạng TSLCD, kết nối đến SOC của các bộ, ngành, địa phương để chia sẻ thông tin giám sát, kiểm soát truy nhập các nút mạng kết nối vào mạng TSLCD theo chỉ đạo của Bộ trưởng “phải nhìn thấy được toàn bộ các kết nối đến mạng TSLCD”.

Các quan điểm chỉ đạo, định hướng của Lãnh đạo Bộ, đặc biệt đồng chí Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về định hướng phát triển mạng TSLCD đã tạo tiền đề cho Cục Bưu điện Trung ương xác định đúng hướng đi, cách làm để từng bước hoàn thành sứ mệnh mới của mạng TSLCD là “mạng thống nhất, kết nối đến các cơ quan Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến cấp xã, được giám sát, kiểm soát truy cập tập trung”.

“Từ những định hướng mới và mục tiêu mới của mạng TSLCD, Cục Bưu điện Trung ương đã cụ thể hóa bằng các chương trình hành động, đưa vào Quy hoạch chung ngành Thông tin và Truyền thông và Chiến lược phát triển Hạ tầng số giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, ông Trần Duy Ninh nhấn mạnh.

Tràng An

(Nguồn: ThanhtraVietNam)