Những điều kiện bảo đảm cho việc kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ ở Việt Nam hiện nay
Kiểm soát xung đột lợi ích là công việc khó khăn, phức tạp và hết sức nhạy cảm bởi nó đụng chạm đến lợi ích cá nhân của người chịu sự kiểm soát. Hạn chế lợi ích cá nhân của người chịu sự kiểm soát đến đâu cho hợp lý là vấn đề chính trị, pháp lý phụ thuộc vào thể chế chính trị, truyền thống văn hóa và trình độ phát triển của mỗi quốc gia.
Công khai lợi ích cá nhân của người chịu sự kiểm soát cũng là vấn đề gây tranh cãi, đặc biệt là ở các quốc gia có nền dân chủ còn non trẻ. Kiểm soát xung đột lợi ích hiệu quả cần đến những bảo đảm nhất định về mặt chính trị, nhận thức, pháp lý và việc tổ chức thực hiện. Bảo đảm về chính trị chính là sự thống nhất ý chí và quyết tâm chính trị của nhà cầm quyền. Bảo đảm về mặt nhận thức là sự nhận thức đúng đắn và đồng thuận trong toàn xã hội về sự cần thiết phải kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ. Bảo đảm về mặt pháp lý là những quy định của pháp luật về thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong từng nội dung kiểm soát xung đột lợi ích. Bảo đảm vể tổ chức thực hiện bao gồm việc tuyên truyền phổ biến về các quy định của pháp luật, giáo dục liêm chính cho cán bộ, công chức là đối tượng chịu sự kiểm soát, khuyến khích và tạo điều kiện cho xã hội tham gia kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ, tăng cường hoạt động giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về xung đột lợi ích v.v…
Bài viết này sẽ đi sâu phân tích một số điều kiện bảo đảm căn bản cho việc kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ.
1. Bảo đảm về nhận thức
Trong mọi hoạt động của con người, nhận thức luôn là nền tảng cho hành động, chỉ khi có được nhận thức đúng đắn thì con người mới thực hiện được hành động đúng đắn. Kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ cũng cần đến một nền tảng nhận thức như vậy. Kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ không chỉ liên quan đến bản thân công chức, liên quan đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà còn liên quan đến các chủ thể khác trong xã hội. Do đó, nhận thức đúng đắn về kiểm soát xung đột lợi ích trước hết cần phải có ở bản thân mỗi công chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, ở các cấp lãnh đạo của cơ quan nhà nước. Nhận thức đúng đắn cũng cần có được ở mỗi cá nhân, tổ chức trong toàn xã hội, đó chính là cơ sở tạo ra những sức ép cần thiết đối với khu vực nhà nước trong kiểm soát xung đột lợi ích.
Nhận thức về kiểm soát xung đột lợi ích cần phải bắt đầu từ nhận thức sâu sắc về nguyên tắc phục vụ lợi ích công. Trong nhà nước dân chủ thì nhà nước là chủ thể được lựa chọn để nắm giữ quyền lực công. Qua nhiều kênh ủy thác, quyền lực được thực thi bởi những cá nhân cụ thể. Khi thực hiện quyền lực công này, cá nhân được ủy thác thực hiện quyền lực được kỳ vọng phải thực hiện nó theo cách khách quan và vô tư nhất, chịu sự chi phối toàn diện và duy nhất bởi lợi ích của cộng đồng. Lợi ích của cộng đồng, hay nói khác đi là lợi ích công, chính là động cơ, động lực thúc đẩy hoạt động của cá nhân. Nguyên tắc phục vụ lợi ích công cũng chính là nội dung cốt lõi của liêm chính, là một trong những giá trị căn bản của đạo đức công vụ.
Từ nhận thức đúng đắn về nguyên tắc phục vụ lợi ích công trong hoạt động công vụ, cần hình thành nhận thức đúng đắn về tình huống xung đột giữa lợi ích công và lợi ích riêng của cá nhân người được giao thực hiện quyền lực, các dấu hiệu để nhận biết tình huống xung đột, nhận thức về tính chất khách quan của tình huống xung đột, về những hậu quả nguy hại nếu không kiểm soát tốt tình huống xung đột. Cuối cùng là hình thành nhận thức về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý các tình huống xung đột.
Nâng cao nhận thức về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ là một trong những nội dung cốt lõi của giáo dục đạo đức công vụ. Đạo đức công vụ đóng vai trò hết sức quan trọng, khi con người đã tin tưởng và tự tạo dựng cho mình nền tảng đạo đức công vụ thì nó có một sức mạnh ghê gớm trong việc định hướng hành động. Tuy nhiên, đạo đức công vụ được hình thành trên nền tảng đạo đức xã hội, do đó mỗi công dân ngay từ nhỏ đã cần phải được học những bài học về đạo đức trong đó có bài học đạo đức về tôn trọng và bảo vệ những lợi ích công.
Bảo đảm nhận thức đúng đắn về xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích cần đến những biện pháp cụ thể như triển khai các hoạt động nghiên cứu sâu rộng về xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về các tình huống xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ, hướng dẫn các thức phòng ngừa, phát hiện và xử lý xung đột lợi ích, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nhận biết và kiểm soát xung đột lợi ích dành cho từng nhóm đối tượng cụ thể theo từng mức độ phù hợp.
2. Bảo đảm về chính trị
Kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ phải được thực hiện đối với mọi công chức trong bộ máy nhà nước. Xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ có thể xảy ra với bất kỳ công chức nào, công chức càng giữ vị trí cao trong bộ máy nhà nước thì càng có nguy cơ rơi vào tình huống xung đột lợi ích, và những người lãnh đạo cao nhất chính là những người có thể rơi vào tình huống xung đột lợi ích với khả năng cao nhất. Kiểm soát xung đột lợi ích là công việc khó khăn, phức tạp vì nó liên quan đến những lợi ích cá nhân của con người, trong khi bản tính tự nhiên của con người là luôn tìm kiếm và bảo vệ lợi ích cá nhân của mình trước tiên. Chính vì vậy, có thể nói một trong những điều kiện điều kiện căn bản và quan trọng để kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ là quyết tâm chính trị của những người lãnh đạo ở mọi cấp, mọi ngành. Quyết tâm chính trị thể hiện ý chí, sự cam kết của những người lãnh đạo, biểu hiện trên nhiều phương diện như lãnh đạo, chỉ đạo việc ban hành và thực thi chính sách, gương mẫu thực hiện các quy định của pháp luật, áp dụng chế tài một cách khách quan và công bằng, không có “ngoại lệ” hay “vùng cấm” v.v…
Quyết tâm chính trị trước hết được thể hiện ở việc nhà lãnh đạo đưa ra những chính sách đúng đắn và phù hợp, chỉ đạo việc cụ thể hóa những chính sách đó trong hệ thống các văn bản pháp luật, đưa ra những biện pháp cụ thể để thi hành các chính sách và quy định đó. Chính sách đúng đắn và phù hợp về kiểm soát xung đột lợi ích là những định hướng lớn về kiểm soát xung đột lợi ích phù hợp với trình độ phát triển kinh tế xã hội và các đặc thù về văn hóa, chính trị của đất nước, bảo đảm việc cụ thể hóa vào hệ thống pháp luật một cách đồng bộ với lộ trình thích hợp. Quá trình cụ thể hóa này đòi hỏi sự chỉ đạo liên tục, sát sao của các nhà lãnh đạo, đòi hỏi sự phát huy trí tuệ tập thể của toàn xã hội trên cơ sở những luận cứ khoa học đã được xây dựng chắc chắn.
Một phương diện khác thể hiện rõ nét quyết tâm chính trị đó là sự gương mẫu của những người lãnh đạo trong việc tự giác tuân thủ các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích. Điều này là hoàn toàn phù hợp với những đòi hỏi của nhà nước pháp quyền, nơi mà pháp luật ở vị trí tối cao, không một ai có thể đứng ngoài hay đứng trên pháp luật. Mọi đường lối, chính sách hay quy định cho dù có đúng đắn và hoàn hảo đến đâu cũng sẽ trở nên vô nghĩa nếu như nó không được áp dụng theo cách công bằng. Vì vậy, bản thân những người lãnh đạo phải là những người đầu tiên và hơn ai hết xác định đầy đủ và đúng đắn trách nhiệm chính trị của mình, tuân thủ nghiêm túc những quy định về kiểm soát xung đột lợi ích. Có thể nhận định, đây là khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai thực hiện các biện pháp về kiểm soát xung đột lợi ích, đặc biệt là ở những quốc gia có nền dân chủ chưa phát triển.
3. Bảo đảm về pháp lý
Kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ cần đến những công cụ pháp lý đầy đủ và đồng bộ. Những quy định của pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ đóng vai trò chuẩn hóa nhận thức, đưa ra những giả định, quy định và chế tài rõ ràng, cụ thể, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện trên thực tế. Quy định của pháp luật cần bảo đảm một số yêu cầu như sau:
Thứ nhất,pháp luật cần đưa ra định nghĩa thống nhất về xung đột lợi ích, theo đó xung đột lợi ích là “tình huống trong đó lợi ích cá nhân của cán bộ, công chức có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức đó”. Lợi ích cá nhân có thể là bất kỳ lợi ích nào liên quan đến cá nhân cán bộ, công chức có thể làm cho việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức đó không còn bảo đảm tính khách quan, vô tư. Pháp luật cần phải đưa ra quy định về mặt nguyên tắc xác định một tình huống xung đột lợi ích, đồng thời có thể quy định những tình huống xung đột lợi ích phổ biến trong hoạt động công vụ.
Ngoài việc đưa ra định nghĩa chung thống nhất, pháp luật cần có những quy định mang tính nguyên tắc chung về trách nhiệm của các chủ thể có liên quan như trách nhiệm của bản thân cán bộ, công chức phải tự kiểm soát xung đột lợi ích của bản thân, trách nhiệm của cơ quan nhà nước thực hiện các biện pháp kiểm soát, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ, công thức thực hiện trách nhiệm của mình, vai trò, trách nhiệm của xã hội trong việc phát hiện xung đột lợi ích, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cụ thể hóa những quy định về kiểm soát xung đột lợi ích phù hợp với đặc điểm hoạt động trong từng ngành, lĩnh vực.
Trước mắt, có thể thiết kế những quy định này trong Luật Phòng, chống tham nhũng, thiết kế một chế định riêng về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ trên cơ sở tích hợp các quy định về quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức công vụ, đồng thời bổ sung thêm các nội dung khác về kiểm soát xung đột lợi ích.
Thứ hai,quy định cụ thể, chi tiết những hạn chế về lợi ích cá nhân đối với cán bộ, công chức tiềm ẩn nguy cơ xung đột lợi ích, đặc biệt là vấn đề nhận quà tặng và công việc làm thêm.
Hạn chế lợi ích cá nhân của cán bộ, công chức là nội dung căn bản trong phòng ngừa xung đột lợi ích. Hạn chế lợi ích cá nhân ở mức nào là đủ để bảo đảm vừa không xâm phạm đến những quyền cơ bản của con người vừa loại trừ được nguy cơ xung đột lợi ích tiềm ẩn là một điều khó khăn. Phần lớn các quốc gia trên thế giới đều cố gắng đưa ra những quy định chi tiết nhất về hạn chế lợi ích cá nhân của công chức nhằm giúp công chức có thể dễ dàng nhận biết về nguy cơ xung đột lợi ích. Hạn chế về nhận quà tặng nên được quy định theo hướng giảm thiểu mọi nguy cơ có thể phát sinh, có thể tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia[1] quy định cấm cán bộ, công chức nhận quà tặng dưới mọi hình thức, trường hợp không thể từ chối thì phải báo cáo và nộp lại quà tặng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có thể trả tiền để mua lại nếu muốn giữ quà tặng đó. Quà tặng thường được cho là biểu hiện về mặt văn hóa, tuy nhiên nét văn hóa này trên thực tế đã bị lợi dụng. Hạn chế về công việc làm thêm của cán bộ, công chức cần được quy định rõ ràng, chi tiết. Về nguyên tắc, cán bộ, công chức không được nhận việc làm thêm có liên quan đến các thông tin trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ, không được sử dụng thời gian và các điều kiện vật chất khác trong hoạt động công vụ để phục vụ cho công việc làm thêm. Cần quy định rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc cung cấp đầy đủ thông tin về việc làm thêm của mình, quy định tự xác định và báo cáo tình huống xung đột lợi ích từ việc làm thêm.
Ngoài ra, cần có những quy định chi tiết, cụ thể về trình tự, thủ tục tiếp nhận và xử lý thông tin về quà tặng, tiếp nhận và xử lý quà tặng do cán bộ, công chức nộp lại trong trường hợp không thể từ chối. Đây là cơ sở quan trọng để cán bộ, công chức thực hiện trách nhiệm báo cáo và nộp lại quà tặng. Ngoài ra, pháp luật cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan hoặc người được giao nhiệm vụ tiếp nhận và xử lý thông tin về quà tặng, tiếp nhận và xử lý quà tặng do cán bộ, công chức nộp lại.
Thứ ba, pháp luật cần quy định khả năng sử dụng thông tin kê khai tài sản, thu nhập của công chức để rà soát, phát hiện xung đột lợi ích. Đây là cách làm đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện có hiệu quả, theo đó, có thể quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ sử dụng các thông tin trong bản kê khai tài sản thu nhập để chủ động xác minh, phát hiện tình huống xung đột lợi ích của cán bộ, công chức. Công khai thông tin về thu nhập, tài sản của cán bộ công chức là công cụ quan trọng để thực hiện phương thức xã hội giám sát, phát hiện xung đột lợi ích của cán bộ, công chức. Để phát huy vai trò của xã hội trong giám sát, phát hiện xung đột lợi ích, kinh nghiệm cho thấy cần phải tiếp tục nghiên cứu mở rộng phạm vi và hình thức công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, việc làm này cũng cần phải tiến hành thận trọng từng bước, bảo đảm sự phù hợp với các quy định khác của pháp luật, bảo đảm trật tự và an toàn cho người có tài sản.
Thứ tư, cần quy định rõ trong các văn bản pháp lý trách nhiệm cá nhân của công chức trong việc phát hiện và xử lý bất kỳ tình huống xung đột lợi ích nào phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quy định cụ thể trách nhiệm báo cáo về tình huống xung đột lợi ích. Để hỗ trợ thực hiện quy định này, cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng hướng dẫn với những ví dụ cụ thể về tình huống xung đột lợi ích mà công chức có thể gặp phải. Đồng thời, pháp luật cần quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc hướng dẫn hoặc ra quyết định cần thiết về tình huống xung đột lợi ích mà công chức gặp phải.
Thứ năm, mở rộng phạm vi điều chỉnh một số quy định về kiểm soát xung đột lợi ích, không dừng lại ở bản thân cán bộ, công chức mà cần phải mở rộng ra các chủ thể khác có mối quan hệ gần gũi với cán bộ, công chức.
Nguy cơ xung đột lợi ích của cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ từ quan hệ với người thân là nguy cơ có tính truyền thống và rất phức tạp. Người thân không chỉ là những người có quan hệ vợ chồng hoặc huyết thống mà còn có thể là những mối quan hệ khác nhưng tính chất của quan hệ là rất gần gũi hoặc phụ thuộc lẫn nhau về lợi ích, và trong tình huống xung đột lợi ích thì hoàn toàn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Để bảo đảm hiệu quả của việc kiểm soát, một số quy định về kiểm soát xung đột lợi ích đối với cán bộ, công chức cần được mở rộng đến nhóm chủ thể này. Ví dụ, quy định về hạn chế nhận quà tặng đối với cán bộ, công chức cũng cần được áp dụng với những người thân của cán bộ, công chức (vợ, chồng, con)./.
ThS Lê Thị Thúy
Viện Khoa học Thanh tra
Nguồn: http://giri.ac.vn
[1] Xinh-ga-po có quy định chi tiết, cụ thể về vấn đề này
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn http://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)