1. Đặt vấn đề
Trách nhiệm là phạm trù thuộc về đạo đức, nhân cách và yếu tố quan trọng nhất của đạo đức và nhân cách của con người. Trách nhiệm là một khái niệm đa nghĩa, liên quan đến vị trí, vai trò của chủ thể trong các mối quan hệ khác nhau như như trách nhiệm của một công dân đối với quốc gia, với cộng đồng xã hội nơi họ sinh sống; trách nhiệm liên quan đến công việc – trách nhiệm mà một cá nhân trên ở các cương vị khác nhau trong một cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm như trách nhiệm đối với cấp trên, trách nhiệm đối với cấp dưới, trách nhiệm đối với sự phát triển của cơ quan, trách nhiệm đối với đồng nghiệp. Trong nhiều trường hợp, tinh thần trách nhiệm có thể được đánh giá cao hơn trình độ, năng lực cá nhân.
Tinh thần trách nhiệm là một khái niệm dùng để chỉ thái độ, ý thức trách nhiệm của một cá nhân trong mối quan hệ với với gia đình, với đồng nghiệp, với cộng đồng, với đơn vị công tác, với xã hội và cao cả hơn là trách nhiệm với quê hương, đất nước. Tinh thần trách nhiệm, theo nghĩa hẹp, có thể hiểu là ý thức trách nhiệm hoặc tinh thần trách nhiệm, hành động có trách nhiệm của một cá nhân và là nhân tố quyết định các hoạt động thực tiễn của con người. Trong hoạt động thực tiễn sinh động như hiện nay có thể dễ dạng nhận biết người có tinh thần trách nhiệm và người không có tinh thần trách nhiệm. Những người có tinh thần trách nhiệm thì bản thân sẽ thúc đẩy mình tự vươn lên học tập nâng cao trình độ, năng lực công tác, nghiên cứu, tìm tòi và có những phát kiến, sáng kiến áp dụng vào công việc nơi làm việc để nâng cao hiệu quả lao động, góp phần vào sự phát triển của tổ chức nơi mình công tác, thúc đẩy sự phát triển của xã hội, của đất nước.
Như vậy, có thể hiểu trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình, phải bảo đảm làm tròn nhiệm vụ, công việc, phần việc được giao, với sự ràng buộc đối với lời hứa của mình, nếu kết quả thực hiện không tốt, hoặc nếu thực hiện sai thì phải gánh chịu hậu quả. Tinh thần trách nhiệm chính là kết quả của một quá trình rèn luyện, nhận thức và hành động đúng đắn, tích cực, tự giác trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đối với cán bộ, viên chức tại Trường Cán bộ Thanh tra mà cụ thể là tại 2 Khoa giảng viên, tinh thần trách nhiệm được thể hiện trong một số công việc như: Công tác giảng dạy, biên soạn viết mới, cập nhật, chỉnh sửa giáo trình tài liệu, nghiên cứu khoa học, công tác chấm bài thi, chấm tiểu luận, công tác hành chính của Khoa; làm lịch, câu hỏi thi, lưu trữ tài liệu và các công việc hành chính khác. Trong đó, công tác giảng dạy là một công việc quan trọng và chính yếu đối với giảng viên cũng như đối với Nhà trường. Tuy nhiên, các công việc khác cũng rất quan trọng, chúng ta không nên xem nhẹ từ công việc nhỏ đến công việc lớn bởi vì nó đều là một bộ phận để góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của Nhà Trường.
2. Vai trò của việc nêu cao tinh thần trách nhiệm của giảng viên trong giảng dạy
Chất lượng giảng dạy là yêu cầu quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng. Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng thì việc nâng cao chất lượng giảng dạy là một yêu cầu cốt lõi. Để nâng cao chất lượng giảng dạy đòi hỏi mỗi giảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trong sự nghiệp giảng dạy.
Chương trình giảng dạy mới được Trường Cán bộ Thanh tra triển khai từ tháng 10 năm 2022. Với chương trình giảng dạy mới này đòi hỏi giảng viên vừa là người truyền thụ kiến thức lý luận thông qua việc thiết kế bài giảng của mình, vừa xây dựng kịch bản để hướng dẫn cho học viên thực hành. Do đó, họ vừa là người thiết kế vừa là người thi công nhằm đạt được sự thành công của bài giảng, giảng viên phải là người chịu trách nhiệm về toàn bộ quá trình đào tạo, bồi dưỡng và là người có vai trò động viên, khuyến khích, định hướng kiến thức cho người học. Giảng viên không chỉ đơn thuần là người làm công tác giảng dạy, người “truyền thụ” mà còn đóng nhiều vai trò khác trong môi trường đào tạo bồi dưỡng hiện đại, như tư vấn cho học viên, tạo điều kiện cho học viên học tập. Với vai trò là người truyền thụ, giảng giải, giảng viên giới thiệu, trình bày, truyền đạt, cung cấp kiến thức về lý luận cũng như thực hành về công tác thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.
Đối tượng bồi dưỡng nghiệp vụ của Trường Cán bộ Thanh tra rất đặc thù là những cán bộ, công chức, viên chức ở nhiều độ tuổi, giữ chức vụ, địa vị và trình độ chuyên ngành khác nhau trong xã hội và ngày càng được nâng cao, có kinh nghiệm thực tế thậm chỉ ở từng lĩnh vực cụ thể họ còn có sự hiểu biết sâu hơn giảng viên, nhu cầu đòi hỏi của người học ngày càng cao. Trong khi giảng viên của Trường hiện nay ngày càng trẻ hóa, mới vào nghề, kinh nghiệm giảng dạy và kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế, vốn sống chưa phong phú nhưng phải chuyển hóa lý thuyết trong các bài học với những đặc thù riêng thành những điều đơn giản, dễ hiểu, sinh động phù hợp với trình độ nhận thức của học viên trở thành vấn đề khó. Việc trang bị cho mình những kiến thức thực tiễn, gắn kết lý luận với thực tiễn, giải đáp những vấn đề thực tiễn đặt ra, đáp ứng đòi hỏi của người học.
Để đáp ứng được những yêu cầu của thực tế đòi hỏi, giảng viên phải có thái độ tích cực, nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện những nhiệm vụ cụ thể.
3. Một số giải pháp nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm của giảng viên trong giảng dạy
Để nêu cao tinh thần trách nhiệm của giảng viên trong giảng dạy mỗi cán bộ giảng viên cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao phẩm chất chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống.
Mỗi cán bộ giảng viên phải luôn giữ lập trường tư tưởng vững vàng, có ý chí phấn đấu vươn lên, gương mẫu trong công tác, có tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nghiêm túc trong học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi giảng viên phải tự xác định cho mình các tiêu chí trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tư cách, phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong sinh hoạt, năng lực chuyên môn, kiến thức thực tiễn… để phấn đấu hoàn thiện mình. Bản thân giảng viên cần phải rèn luyện đạo đức. Đạo đức ở đây chính là đạo đức xã hội nói chung và đạo đức nghề nghiệp nói riêng, người có đạo đức tốt bao giờ cũng ý thức được vai trò trách nhiệm của bản thân mình đối với xã hội lẫn công việc. Đạo đức của người giảng viên thể hiện qua tấm lòng nhân ái, bao dung, lòng nhiệt huyết của mình trong việc nghiên cứu, tìm tòi phương pháp giảng dạy phù hợp cho từng đối tượng người học.
Hai là, không ngừng nâng cao nhận thức, chất lượng giảng dạy.
Giảng viên phải luôn rèn luyện sự tâm huyết, say mê, tận tụy với công việc, là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy; chính từ sự say mê, tâm huyết, trách nhiệm mà người thầy tự mình trau dồi, tích lũy kiến thức lý luận, thực tiễn ở mọi nơi, mọi lúc, tự mình rèn luyện kỹ năng, phương pháp sư phạm để chuyển tải đến học viên một cách hiệu quả nhất.
Ba là, chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy.
Từng giảng viên phải chịu khó, tích cực, hăng hái trong công việc, nhiệm vụ được giao, tiết kiệm thời gian và các phương tiện phục vụ công tác để làm việc có hiệu quả cao nhất. Chúng ta phải xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể trong thực hiện công việc, bảo đảm thời gian theo quy định như: mỗi giảng viên phải tự vạch kế hoạch làm việc theo năm, tháng, tuần, ngày. Kế hoạch năm là định hướng chung về trách nhiệm của bản thân trong năm, sau đó phải xác định nhiệm vụ trong tháng, trong tuần, trong ngày làm gì; nhiệm vụ nào cần giải quyết trước, nhiệm vụ nào làm sau. Khi đã có kế hoạch thì phải tuân thủ kế hoạch đã đề ra. Trách nhiệm lớn nhất của giảng viên là phải nắm bắt được nhu cầu thực tế của từng đối tượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, từ đó xây dựng cho mình phương pháp giảng dạy phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau. Mỗi giáo viên phải nêu cao tinh thần tự học tập, nghiên cứu để mở rộng hiểu biết của mình, người học bao giờ cũng muốn nghe những cái mới, những vấn đề thời sự, những thực tiễn sinh động diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống. Thế nên, để bài giảng hấp dẫn, sinh động, thu hút sự chú ý của người học thì người giảng viên cần phải luôn tìm hiểu, bổ sung kiến thức, cập nhật thông tin thường xuyên nhằm nắm bắt những vấn đề cần thiết cho bài giảng của mình thêm phong phú và sâu rộng. Bên cạnh đó, mỗi giáo viên cần chú trọng đổi mới phương pháp, ứng dụng các phương tiện kỹ thuật tiên tiến trong việc thiết kế bài giảng, công nghệ thông tin nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy.
Bốn là, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học phục vụ thiết thực công tác giảng dạy
Song song với việc nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm, năng lực thực tiễn thì việc rèn luyện cho mình khả năng nghiên cứu khoa học của giảng viên cũng là nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện. Giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ hỗ trợ trực tiếp, bổ sung cho nhau. Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của đội ngũ giảng viên, đồng thời định hướng cho các giảng viên lựa chọn chủ đề nghiên cứu phù hợp với hoạt động chuyên môn của Nhà trường có nhiều giá trị thực tiễn khi trở thành nguồn tài liệu tham khảo bổ ích trong dạy và học. Chú trọng hoạt động nghiên cứu thực tế của đội ngũ giảng viên nhằm nâng cao chất lượng bài giảng, Nhà trường cần đẩy mạnh hoạt động cử giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở, củng cố bổ sung, lý giải những vấn đề đặt ra ở cơ sở.
Năm là, tăng cường công tác tự kiểm tra, đánh giá
Mỗi cán bộ, giảng viên phải thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá nội dung công việc của mình xem đã đáp ứng được mục đích, yêu cầu chất lượng giảng dạy đặt ra chưa để kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót. Bên cạnh đó lãnh đạo Khoa, Ban Giám hiệu, Hội đồng chuyên môn cũng cần có công tác kiểm tra, giám sát và chính sách động viên khen thưởng để kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót và khuyến khích giảng viên trong việc nêu cao tinh thần trách nhiệm nâng cao chất lượng giảng dạy.
Như vậy, mỗi giảng viên phải luôn nêu cao trách nhiệm học hỏi, nghiên cứu nâng cao trình độ, trao dồi về nghiệp vụ chuyên môn đảm bảo giờ giảng có chất lượng, có ý thức về công việc được giao./.
Lê Văn Chưởng
Giảng viên Khoa Nghiệp vụ thanh tra
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)