Trong
tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, công tác thanh tra giữ một vai trò
quan trọng trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện và tuân thủ pháp luật của
các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thông qua hoạt động thanh tra, có thể phát hiện
nhiều vi phạm pháp luật ở nhiều mức độ khác nhau, từ hành chính đến hình sự.
Thực
tiễn công tác thanh tra cho thấy phát hiện nhiều trường hợp vi phạm pháp luật
nghiêm trọng, có dấu hiệu của tội phạm hình sự, vượt quá khả năng xử lý bằng
các chế tài hành chính của Cơ quan thanh tra. Trong tình huống đó, cơ quan
thanh tra phải tiến hành chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra để kiến nghị khởi
tố vụ án hình sự theo đúng thẩm quyền.
Các qui định về việc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra
và kiến nghị khởi tố vụ án hình sự đã được qui định tương đối đầy đủ tại Luật
Thanh tra năm 2010 và Nghị định 86/2011/NĐ-CP ngày 22/09/2011 của Chính phủ quy
định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra. Mặt khác,
sau khi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được ban hành, Thanh tra Chính phủ đã
phối hợp xây dựng Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-TTCP ngày
18/10/2018 quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra (CQĐT), Viện Kiểm sát
(VKS), Cơ quan thanh tra trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và giải
quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra. Cụ thể:
Về
mặt thẩm quyền,
việc chuyển hồ sơ sang CQĐT để kiến nghị khởi tố vụ án hình sự có thể được thực
hiện bởi người ra quyết định thanh tra, khi tiến hành hoạt động thanh tra hành
chính (Điều 48 Luật Thanh tra), cũng như thanh tra chuyên ngành (Điều 55 Luật
Thanh tra).
Về
mặt thủ tục,
theo khoản 1, Điều 5 Thông tư liên tịch số 03/2018: Đối với vụ việc vi phạm
pháp luật có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành,
nếu xét thấy cần thiết thì trước khi chính thức kết luận thanh tra và kiến nghị
khởi tố, Cơ quan thanh tra tổ chức họp lãnh đạo liên ngành gồm Cơ quan thanh
tra, CQĐT, VKS cùng cấp để phân tích, đánh giá những tài liệu đã thu thập được.
Trường hợp liên ngành thống nhất xác định vụ việc đã rõ dấu hiệu tội phạm thì
Cơ quan thanh tra có văn bản kiến nghị khởi tố và chuyển ngay cho CQĐT có thẩm
quyền kèm theo hồ sơ, tài liệu có liên quan để xem xét, quyết định việc khởi tố
vụ án hình sự.
Hồ
sơ kiến nghị khởi tố vụ án hình sự được qui định tại Điều 45 Nghị định
86/2011/NĐ-CP và Điều 9 Thông tư liên tịch 03/2018, gồm có các thành phần sau
đây:
– Bản kiến nghị khởi tố phải nêu rõ các nội dung gồm: (i)
dấu hiệu tội phạm; (ii) đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật; (iii) hậu quả
thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra; (iv) thời gian, địa điểm xảy ra
hành vi vi phạm pháp luật.
– Quyết định thanh tra; biên bản xác minh sự việc có vi
phạm pháp luật; báo cáo, giải trình của đối tượng thanh tra; những thông tin,
tài liệu khác có liên quan.
–
Báo cáo của Trưởng đoàn thanh tra về những vi phạm pháp luật của đối tượng
thanh tra có dấu hiệu tội phạm. Trong trường hợp cuộc thanh tra đã kết thúc,
thì hồ sơ phải có kết luận thanh tra, cùng với bản trích văn bản kết luận thanh
tra về vụ việc vi phạm pháp luật mà Cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố.
–
Cơ quan thanh tra gửi kèm bản kê tài liệu trong hồ sơ, cùng với những tài liệu
khác có liên quan đến CQĐT nơi có thẩm quyền, để kiến nghị khởi tố.
Thực
tiễn thi hành những qui định kể trên đã cho thấy hiệu quả tích cực, giúp nâng
cao đáng kể hiệu quả thanh tra và đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự, nhất
là các tội phạm về tham nhũng, tội phạm có liên quan đến quản lí nhà nước. Số
liệu gần đây nhất (Báo cáo tổng kết năm 2019 của Thanh tra Chính phủ) cho thấy:
Trong năm 2019, toàn ngành Thanh tra đã chuyển cơ quan chức năng để tiếp tục
xem xét, làm rõ dấu hiệu tội phạm 17 vụ, 61 đối tượng. Trong đó Thanh tra Chính
phủ đã chuyển hồ sơ 09 vụ việc, 19 đối tượng; thanh tra các Bộ, ngành, địa
phương đã chuyển cơ quan chức năng 08 vụ, 42 đối tượng.
Tuy
nhiên, bên cạnh đó, thực tiễn công tác thanh tra cũng cho thấy một số bất cập
trong công tác chuyển hồ sơ sang CQĐT để kiến nghị khởi tố vụ án hình sự khi có
dấu hiệu tội phạm:
Thứ
nhất,
sự phối hợp giữa Cơ quan thanh tra và CQĐT, VKS trong khởi tố vụ án hình sự
được phát hiện từ hoạt động thanh tra đạt hiệu quả chưa cao.
Thứ
hai,
quy định pháp luật về hoạt động chuyển hồ sơ để kiến nghị khởi tố còn thiếu
thống nhất. Hiện nay tồn tại mâu thuẫn về thời hạn giải quyết kiến nghị khởi tố
giữa Luật Thanh tra năm 2010 với Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015. Căn
cứ theo qui định của điều 147 BLTTHS 2015, thì thời hạn kiểm tra, xác minh tố
giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của CQĐT là 20 ngày. Hết thời hạn
kể trên, các cơ quan có thẩm quyền phải ra một trong ba quyết định: (i) quyết
định khởi tố vụ án hình sự; (ii) quyết định không khởi tố vụ án hình sự; (iii)
quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị
khởi tố.
Trường
hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều
tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn
giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá
02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn
quy định tại khoản này thì Viện trưởng VKS có thẩm quyền có thể gia hạn một
lần nhưng không quá 02 tháng.
Như
vậy, thời gian xác minh kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng
hình sự có thể lên đến 04 tháng. Điều này là mâu thuẫn với qui định tại điều 60
của Luật Thanh tra: “Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ
quan điều tra phải thông báo bằng văn bản về việc xử lý cho cơ quan thực hiện
chức năng thanh tra; trường hợp vụ việc có nội dung, tình tiết phức tạp thì
thời hạn trả lời có thể kéo dài, nhưng không quá 60 ngày”.
Thứ ba, thực tiễn công tác
thanh tra cho thấy: Có nhiều vụ việc sau khi đã được chuyển hồ sơ sang CQĐT để
khởi tố thì nhận thấy không đủ điều kiện khởi tố, hoặc không đủ cấu thành tội
phạm. Khi đó, hồ sơ vụ việc sẽ được trả về để tiến hành xử lý hành chính và xử
lý kỷ luật với cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước.
Tuy
nhiên, hiện nay thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức là khá
ngắn (ví dụ thời hiệu xử lý kỷ luật công chức chỉ là 24 tháng). Điều này dẫn
đến việc: Do phải chờ các thủ tục điều tra – tố tụng hình sự, nên thời gian xem
xét kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã bị kéo dài vượt quá thời hiệu, gây
khó khăn cho việc xử lý kỷ luật những đối tượng này.
Trên
cơ sở nhận diện những thực trạng, bất cập kể trên, thiết nghĩ rằng: Để nâng cao
hiệu quả công tác chuyển hồ sơ để kiến nghị khởi tố vụ án hình sự trong hoạt
động thanh tra, cần thực hiện đồng bộ những giải pháp như sau:
Thứ
nhất,
trong công tác thanh tra, không chỉ cần làm rõ hành vi sai phạm theo quy định
của pháp luật chuyên ngành, mà còn cần xác định tính chất, mức độ, tính nguy
hiểm của hành vi đối với xã hội, động cơ, mục đích, thái độ của người phạm tội,
ước tính thiệt hại gây ra, v.v… Nếu vi phạm có dấu hiệu của tội phạm hình sự
(phù hợp với cấu thành tội phạm quy định trong Bộ luật Hình sự), cơ quan thanh
tra cần lập tức chuyển hồ sơ đến CQĐT để kiến nghị khởi tố theo luật
định.
Thứ
hai,
để tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” – thanh tra chuyển hồ sơ
nhưng CQĐT không khởi tố, cần đẩy mạnh công tác phối hợp, trao đổi thông tin
giữa Cơ quan thanh tra và các Cơ quan điều tra – tố tụng. Hoạt động phối hợp
cần được tiến hành ở mọi cấp, hướng đến hợp tác về chiều sâu, để đạt được mức
độ thống nhất cao giữa các cơ quan trong kiến nghị khởi tố vụ án hình sự phát
hiện từ hoạt động thanh tra.
Thứ
ba,
trong nội bộ ngành Thanh tra, cần chú trọng nâng cao chất lượng của công tác
thanh tra, rèn luyện phẩm chất đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thanh
tra, để không chịu sự tác động tiêu cực, đút lót, nhận hối lộ của đối tượng
thanh tra, kiên quyết chuyển hồ sơ để kiến nghị khởi tố hình sự khi phát hiện
dấu hiệu tội phạm.
Thực
tiễn cho thấy: Khi bị phát hiện sai phạm, nhiều đối tượng thanh tra thường
không ngần ngại bỏ ra số tiền lớn, hay các lợi ích phi vật chất để mua chuộc,
hối lộ cán bộ thanh tra, để không bị chuyển hồ sơ sang CQĐT. Mặt khác, các đối
tượng này cũng lợi dụng những mối quan hệ với các quan chức cấp cao trong bộ
máy chính quyền, trong Đảng ủy, v.v… để gây sức ép, đe dọa, tác động đến cán bộ
thanh tra. Đây là những nhân tố rất lớn ảnh hưởng đến sự khách quan của kết
luận thanh tra. Để loại trừ những nhân tố này, cần có đội ngũ cán bộ thanh tra
“vừa hồng vừa chuyên”, có nghiệp vụ, có bản lĩnh, thượng tôn pháp luật, giữ
nghiêm kỷ cương phép nước. Do đó, trong công tác thanh tra, cần đặc biệt chú
trọng nhân tố con người – nhân tố trung tâm tạo nên hiệu quả công tác thanh tra.
Thứ
tư, để
khắc phục sự không thống nhất về thời hạn khởi tố giữa Luật Thanh tra và
BLTTHS, cần thống nhất áp dụng qui định tại Điều 7 Thông tư liên tịch số
03/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-TTCP: Theo đó việc xác định thời hạn giải quyết
kiến nghị khởi tố của CQĐT phải tuân theo qui định của BLTTHS 2015. Vì vậy,
trong công tác bồi dưỡng, trao đổi nghiệp vụ, cần thống nhất trao đổi, giảng
dạy cho cán bộ thanh tra theo hướng áp dụng qui định của BLTTHS 2015. Mặt khác,
trong tương lai cần có những qui định sửa đổi Luật Thanh tra, để tương thích
hơn với qui định của BLTTHS.
Thứ
năm,
để khắc phục tình trạng khi không khởi tố hình sự được thì đã hết thời hiệu xử
lý kỷ luật cán bộ, công chức: Cán bộ thanh tra cần hết sức cân nhắc, chỉ chuyển
hồ sơ sang CQĐT khi có dấu hiệu, căn cứ rõ ràng của tội phạm hình sự. Mặt khác,
trong tương lai cần hoàn thiện pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, để
không tính thời gian công chức bị điều tra, khởi tố, xét xử vào thời hiệu xử lý
kỷ luật./.
ThS. Trần Thị Thu Hà,
Khoa Quản lý nhà nước và Phòng, chống tham nhũng, Trường
Cán bộ Thanh tra
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)