Việc nâng cao chất lượng giảng dạy đối với đội ngũ giảng viên (bao gồm cả giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng và giảng viên kiêm chức) là yêu cầu mang tính khách quan, tất yếu, xuất phát từ đòi hỏi của thực tế trong xu thế phát triển, đổi mới, hội nhập, toàn cầu hoá. Việc nâng cao chất lượng giảng dạy nói chung và nâng cao chất lượng giảng dạy các chuyên đề nghiệp vụ thanh tra trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra nói riêng chỉ có hiệu quả và tác động tích cực khi giảng viên có kiến thức chuyên môn vững và được trang bị những kỹ năng cần thiết về khả năng thuyết trình, hiểu biết và biết sử dụng các công cụ hỗ trợ giảng dạy như tin học và các trang thiết bị nghe nhìn.
Thực tiễn cho thấy, khi học viên được cử tham dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, nhất là các lớp nghiệp vụ thanh tra viên và nghiệp vụ thanh tra viên chính, ngoài mục đích lấy chứng chỉ để chuyển ngạch hoặc là điều kiện thi nâng ngạch, phần lớn họ cần kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ để làm việc. Chính vì vậy, yêu cầu đội ngũ giảng viên phải có kiến thức chuyên môn vững vàng, phải được trang bị những kỹ năng cần thiết để có thể xử lý được các tình huống mà học viên đặt ra. Trong khi đó, đặc điểm về đối tượng người học là các học viên mới vào ngành, còn chập chững bước vào nghề, chưa có kinh nghiệm thực tiễn, chuyên môn còn hạn chế, chưa quen với cách bồi dưỡng, cập nhật nghiệp vụ, khiến cho công tác giảng dạy của giảng viên cũng như việc học của học viên gặp những khó khăn nhất định khi tiếp cận.
Việc nâng cao chất lượng giảng dạy nhằm mục tiêu đầu tiên là nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, “thu hút” học viên có thái độ nghiêm túc, say mê học tập. Học nghiệp vụ cốt để phục vụ thiết thực vào công việc của từng học viên, chính vì vậy, đội ngũ giảng viên khi đứng lớp cần phải để học viên “tâm phục khẩu phục”. Đây cũng là bài toán không hề đơn giản đang đặt ra cho đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ giảng viên của Trường Cán bộ Thanh tra trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, muốn vậy phải xác định rõ những hạn chế cơ bản để tìm cách khắc phục, hoàn thiện.
Thứ nhất, một số giảng viên giảng dạy các chuyên đề nghiệp vụ thanh tra còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn trong công tác thanh tra, cho nên sức thuyết phục chưa cao. Trong khi đó, một số giảng viên kiêm chức được Nhà trường mời tham gia giảng dạy không ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ giảng dạy, làm giảm đi sự hấp dẫn và hứng thú cho học viên.
Thứ hai, một số giảng viên khi chuẩn bị bài giảng chưa có sự lựa chọn, chắt lọc thông tin chưa thật sát với nội dung yêu cầu, chưa mang tính thời sự, điển hình…
Dưới đây, tác giả xin đưa ra một số hướng khắc phục những hạn chế nêu trênnhằm nâng cao chất lượng giảng dạy các chuyên đề nghiệp vụ Thanh tra:
Một là, các bài giảng của giảng viên ngoài yêu cầu phải bám sát nội dung giáo trình, tài liệu, còn phải phải bám sát thực tiễn các mặt công tác của ngành thanh tra. Vì thế, giảng viên giảng dạy các chuyên đề nghiệp vụ thanh tra phải luôn luôn cập nhật thông tin và biết chắt lọc thông tin một cách chính xác, đầy đủ và mang tính thời sự, có tính điển hình.
Giảng viên phải biết lựa chọn, sàng lọc, phải biết “rút tỉa” từ trong thực tiễn những gì là tinh tuý nhất, những gì là bản chất nhất, linh hồn nhất để rồi tiếp tục cô đọng nó, hoà quyện nó một cách tự nhiên, hài hoà với những nội dung bài giảng, đây là việc làm vô cùng khó, phức tạp, đòi hỏi người giảng viên giảng dạy các chuyên đề nghiệp vụ thanh tra không chỉ có sự cần cù, chăm chỉ, chịu khó, tích cực học hỏi mà còn phải có sự nhạy cảm, thông minh, vận dụng sáng tạo, quan sát nhạy bén và trên hết là khả năng tổng hợp, phân tích, khái quát hoá, trừu tượng hoá rất cao.
Hai là, khi giảng dạy các chuyên đề nghiệp vụ thanh tra, giảng viên cần chú ý việc đưa thực tiễn vào sao cho hợp lý. Tính hợp lý ở đây là những yếu tố thực tiễn phải là những yếu tố điển hình, nổi bật, các sự kiện phải mang tính thời sự, có thực, không thêm bớt. Việc liên hệ với thực tiễn phải sát và phù hợp với nội dung chuyên đề mà giảng viên muốn chứng minh. Mỗi vấn đề thực tiễn đưa ra, giảng viên cần phải phân tích để học viên thấy được nội dung thực tiễn này nó gắn với lý thuyết như thế nào. Tất nhiên, không phải nội dung lý thuyết nào cũng phải có liên hệ thực tế mà chỉ nội dung nào quan trọng, cần thiết hay muốn tăng thêm tính thuyết phục mới cần phải có liên hệ thực tiễn.
Ba là,khi giảng dạy các chuyên đề nghiệp vụ thanh tra, trong điều kiện chưa có thực hành, giảng viên cần tạo cho học viên một khoảng thời gian ngắn để tư duy, suy nghĩ, hình dung và trao đổi, thảo luận. Điều này rất cần thiết vì đặc thù của công tác bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chính là “dạy nghề”, chính là “cầm tay chỉ việc”.
Bốn là,Nhà trường cần bố trí lượng thời gian thích hợp cho từng chuyên đề và giảng viên cần sử dụng tốt các phương pháp giảng dạy tích cực như thảo luận nhóm, phương pháp nêu vấn đề, phương pháp kể chuyện, phương pháp đóng vai…Việc sử dụng phương pháp nào phải tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể để áp dụng, bởi lẽ đây là những phương pháp giảng dạy theo hướng lấy học viên làm trung tâm, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên.
Năm là, để tạo sự thuyết phục và hứng thú cho học viên khi giảng các chuyên đề nghiệp vụ thanh tra, giảng viên nên giảm áp lực đối với học viên về gọi trả lời trong giờ học. Việc kiểm tra và viết thu hoạch cuối khóa cũng nên sử dụng hình thức đề mở… Khi đó, tâm lý của học viên cũng nhẹ nhàng và không bị áp lực nhiều.
Tóm lại, nâng cao chất lượng giảng dạy các chuyên đề nghiệp vụ thanh tra luôn là yêu cầu và đòi hỏi bắt buộc của các thế hệ giảng viên trường Cán bộ Thanh tra. Nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp nêu trên thì việc nâng cao chất lượng giảng dạy các các chuyên đề nghiệp vụ thanh tra sẽ ngày càng tốt hơn./.
ThS. Lê Ngọc Thiều – TTVC
Trưởng phòng – Trường Cán bộ Thanh tra
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn http://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)