Theo quy định của Luật Thanh tra năm 2010, sau khi Người ra quyết định thanh tra ký ban hành Kết luận thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức họp để kết thúc hoạt động của Đoàn thanh tra, đánh giá kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của các thành viên của Đoàn thanh tra. Tuy nhiên, nội dung đánh giá, xếp loại thành viên Đoàn thanh tra đến nay chưa được quy định cụ thể ở các văn bản quy phạm pháp luật khác. Trong tháng 11 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quyết định số 465/QĐ-TTCP về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ đã đề cập tới vấn đề này.
Qua thực tiễn cho thấy, mục đích đánh giá, xếp loại thành viên Đoàn thanh tra để làm cơ sở để bình xét thi đua và tham khảo để đánh giá, phân loại, quản lý, sử dụng công chức, viên chức; khen thưởng kịp thời các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động thanh tra. Từ đó, góp phần tăng cường quản lý hoạt động thanh tra, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra.
Với mục đích trên, tác giả có một số ý kiến về các tiêu chí nhằm đánh giá, xếp loại thành viên Đoàn thanh tra cho thanh tra các cấp, bên cạnh những nội dung đã được đưa ra tại Quyết định số 465/QĐ-TTCP của Thanh tra Chính phủ, cụ thể như sau:
1. Tuân thủ pháp luật và các quy định của ngành Thanh tra
– Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
– Tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn thanh tra, quy định về bảo mật và an toàn thông tin thanh tra, không vi phạm hành vi bị nghiêm cấm.
2. Thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ
– Tuân thủ Kế hoạch tiến hành thanh tra, thực hiện nhiệm vụ được phân công đúng tiến độ
Tuân thủ đúng nội dung thanh tra được phân công; thực hiện đúng phương pháp, trình tự, thủ tục, phạm vi, giới hạn, thời gian, địa điểm, đơn vị được thanh tra; hoàn thành đầy đủ và đảm bảo tiến độ theo Kế hoạch tiến hành thanh tra được duyệt.
– Ghi nhật ký thanh tra đầy đủ theo quy định (trường hợp được giao)
– Thu thập, xử lý, đánh giá và quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra, hồ sơ thanh tra
Thu thập các hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra đầy đủ; quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra, hồ sơ và các tài liệu làm việc đối với từng nội dung thanh tra đã thực hiện đảm bảo cơ sở cho kết luận, kiến nghị thanh tra theo đúng quy định.
– Lập Biên bản xác nhận số liệu và tình hình thanh tra
Phản ánh đầy đủ, chính xác, trung thực, khách quan kết quả thanh tra phù hợp với hồ sơ, tài liệu thu thập được; có đầy đủ ý kiến xác nhận, đánh giá theo đúng nội dung thanh tra được phân công; nội dung, thể thức và trình bày tuân thủ quy định.
– Nghiên cứu xem xét, đánh giá chất lượng, kết quả, thành tích trong thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở sau:
+ Có phát hiện vi phạm được chấp thuận chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra;
+ Có phát hiện liên quan đến sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản chính sách chế độ, cụ thể:
Phát hiện để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do cấp có thẩm quyền tại các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương ban hành, trừ trường hợp kiến nghị sửa đổi văn bản chỉ do các căn cứ ban hành văn bản đã được sửa đổi hoặc thay thế.
Phát hiện để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do cấp có thẩm quyền tại các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương ban hành, trừ trường hợp kiến nghị sửa đổi văn bản chỉ do các căn cứ ban hành văn bản đã được sửa đổi hoặc thay thế; hoặc văn bản quản lý do các cơ quan quản lý nhà nước ban hành, trừ trường hợp kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài chính của đơn vị.
Phát hiện để kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể hoặc cá nhân.
Phát hiện xử lý tài chính.
3. Chấp hành sự phân công, chỉ đạo của cấp trên và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo; thái độ và tinh thần phối hợp trong công tác
Chấp hành đầy đủ sự phân công, điều hành và chỉ đạo của Tổ trưởng, Trưởng đoàn, Người ra quyết định thanh tra; thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ, đúng thời hạn, đảm bảo yêu cầu về chất lượng; thái độ làm việc có trách nhiệm,có tinh thần đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với đồng nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Trên cơ sở các tiêu chí đã có, tiến hành đánh giá, xếp loại thành viên đoàn thanh tra theo ba mức (tham khảo Quyết định số 465/QĐ-TTCP của Thanh tra Chính phủ): Hoàn thành tốt; Hoàn thành và Không hoàn thành nhiệm vụ.
Để thực hiện xếp loại, tiêu chuẩn chung để thành viên Đoàn thanh tra được xem xét cần đảm bảo các điều kiện như sau: không có đơn, thư khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về các hành vi (sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, tiêu cực, tham nhũng, tham ô, lãng phí, lợi dụng chức vụ quyền hạn để vụ lợi, báo cáo sai lệch kết quả, tiết lộ bí mật nhà nước…); không vi phạm kỷ luật, quy chế tổ chức hoạt động của đoàn, gây mất đoàn kết nội bộ; không bị kỷ luật trong quá trình thực hiện kiểm toán.
Trường hợp với thành viên Đoàn thanh tra được trưng tập, ngoài việc nhận xét Trưởng đoàn thanh tra cần có thêm sự đánh giá, nhận xét từ phía cơ quan quản lý trực tiếp.
Ngoài ra, kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng các tiêu chuẩn, cách chấm điểm cụ thể cho các tiêu chí để đánh giá cho từng mức: Hoàn thành tốt; Hoàn thành và Không hoàn thành nhiệm vụ.
Trên đây là một số ý kiến của cá nhân, rất mong các anh/chị đồng nghiệp tham khảo, đóng góp cho ý kiến để hoàn thiện./.
Đinh Ngọc Tân
Giảng viên Khoa Nghiệp vụ thanh tra
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)