Thông tư 06/2021/TT-TTCP được ban hành ngày 01/10/2021 quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra. Văn bản có hiệu lực từ ngày 15/11/2021, đồng thời chấm dứt hiệu lực đối với các văn bản như Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16 tháng 10 năm 2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra; Thông tư số 05/2015/TT-TTCP ngày 10 tháng 9 năm 2015 của Thanh tra Chính phủ quy định về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra; Thông tư số 08/2015/TT-TTCP ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Thanh tra Chính phủ quy định về Sổ nhật ký Đoàn thanh tra; Quyết định số 2316/QĐ-TTCP ngày 10 tháng 10 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ ban hành Quy trình thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra… Tại thông tư 06/2021/TT-TTCP có một số điểm thay đổi so với các văn bản quy phạm trước đây, trong đó có quy định về Sổ nhật ký Đoàn thanh tra.
Để quá trình tổ chức, thực hiện hoạt động Đoàn thanh tra thuận lợi theo quy định mới, sau đây có một số điểm lưu ý về hoạt động ghi Sổ nhật ký Đoàn thanh tra như sau:
Thứ nhất, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm ghi Sổ nhật ký Đoàn thanh tra. Tuy nhiên, Sổ nhật ký Đoàn thanh tra theo quy định mới trình bày nội dung có liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra diễn ra từ khi công bố Quyết định thanh tra đến khi ban hành Kết luận thanh tra. Thay đổi so với trước đây, tại Thông tư 05/2014/TT-TTCP quy định nhật ký Đoàn thanh tra trình bày nội dung có liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra diễn ra từ khi có Quyết định thanh tra đến khi bàn giao hồ sơ thanh tra cho cơ quan có thẩm quyền (căn cứ khoản 1 Điều 5 Thông tư 05/2014/TT-TTCP). Điều này phù hợp với nội dung Điều 50 Thông tư 06/2021/TT-TTCP về lập, bàn giao, quản lý, sử dụng hồ sơ thanh tra thì hồ sơ thanh tra được bàn giao cho đơn vị lưu trữ trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ ngày đóng hồ sơ thanh tra và việc mở hồ sơ bắt đầu từ ngày ban hành Quyết định thanh tra và đóng hồ sơ vào ngày người có thẩm quyền ra văn bản chỉ đạo hoặc quyết định về việc xử lý kết quả thanh tra, khoảng thời gian từ lúc ban hành Kết luận thanh tra đến lúc đóng hồ sơ thanh tra, bàn giao hồ sơ thanh tra có thể trong khoảng thời gian dài, do vậy việc ghi nhật ký kết thúc sau khi ban hành Kết luận thanh tra là hợp lý.
Thứ hai, về nội dung nhật ký Đoàn thanh tra. Theo quy định mới, nhật ký Đoàn thanh tra phải nêu được việc vắng mặt của thành viên Đoàn thanh tra (nếu có) và nêu rõ lý do. Việc ghi nhận trường hợp vắng mặt thành viên Đoàn thanh tra trong quá trình làm việc để Trưởng đoàn thanh tra, Người ra quyết định thanh tra có thể kiểm soát được yếu tố con người khi thực thi công vụ, tránh trường hợp lợi dụng thời gian làm việc để thực hiện những việc cá nhân ở một số vụ việc đã xảy ra trước đây. Nội dung này được bổ sung so với trước đây, ngoài các nội dung như: các công việc và kết quả thực hiện nhiệm vụ của tổ (trường hợp Đoàn thanh tra được tổ chức thành các tổ), của từng thành viên Đoàn thanh tra; tên cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đã làm việc, kiểm tra, xác minh; ý kiến chỉ đạo, điều hành của Người ra quyết định thanh tra, của Trưởng đoàn thanh tra (nếu có); khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tiến hành thanh tra (nếu có); các nội dung khác có liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra (nếu có).
Thứ ba, về hình thức ghi nhật ký Đoàn thanh tra. Trước đây, tại Thông tư 05/2014/TT-TTCP, việc ghi nhật ký Đoàn thanh tra được ghi trên sổ có chất liệu là giấy. Tuy nhiên tại Thông tư 06/2021/TT-TTCP có điểm thay đổi mới đó là khuyến khích việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc ghi nhật ký Đoàn thanh tra. Điểm này phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số trong đời sống kinh tế, xã hội hiện nay đang diễn ra nhanh, ứng dụng công nghệ thông tin diễn ra trên rất nhiều lĩnh vực, trong đó có quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực. Ngoài ra việc này giúp quá trình tổ chức, hoạt động Đoàn thanh tra diễn ra thuận lợi hơn với tình hình thực tế, đồng thời thể hiện rõ quan điểm, quyết tâm thực hiện định hướng phát triển ngành Thanh tra trong thời kỳ mới.
Để đưa những nội dung quy định mới vào trong thực tế cuộc thanh tra hợp lý, kịp thời cũng như nâng cao hiệu quả hơn thao tác ghi nhật ký Đoàn thanh tra, bên cạnh những lưu ý về việc ghi nhật ký đã được nêu tại Thông tư 06/2021/TT-TTCP mới, sau đây tác giả đề xuất thêm một số nội dung như sau:
Thứ nhất, việc ghi nhật ký Đoàn thanh tra cần cụ thể hóa theo hướng tập trung vào các nội dung kiểm tra, xác minh, tránh đi theo hướng trình bày tự sự, không trọng tâm, có thể tăng bảng biểu, câu văn ngắn gọn, đủ ý, phù hợp với việc ghi nhật ký điện tử. Bên cạnh đó, khi trình bày, đánh giá về tình hình, kết quả kiểm tra, xác minh cần đưa ra tài liệu, chứng cứ đính kèm theo nhằm cụ thể hóa nội dung làm việc. Có thể trình bày theo thứ tự như sau: Nội dung công việc; địa điểm làm việc; số liệu, tài liệu, hồ sơ kiểm tra; Tình hình và kết quả làm việc; Ghi chú và chứng cứ đính kèm.
Ví dụ:
Nội dung công việc; địa điểm làm việc; số liệu, tài liệu, hồ sơ kiểm tra |
Tình hình và kết quả làm việc |
Ghi chú và chứng cứ đính kèm
|
Nội dung: kiểm tra chi phí quyết toán gói thầu A Số liệu/tài liệu/hồ sơ/chứng từ kiểm tra trong ngày: Kiểm tra giá trị quyết toán móng giá trị: 10.000.000.000đ; Kiểm tra giá trị quyết toán đường: 30.000.000.000đ |
– Đã kiểm tra, kết quả: xuất toán thu hồi … Nguyên nhân: do tính sai khối lượng; hoặc sai định mức quy định tại Khoản… Điều… Quyết định… – Về tình hình: …. |
Tài liệu số 01 Bảng tính số 02 Biên bản làm việc |
Thứ hai, việc khuyến khích ghi nhật ký Đoàn thanh tra ứng dụng công thông tin, để thực hiện tốt cần xây dựng các biểu mẫu cơ bản của nhật ký Đoàn thanh tra, để trong quá trình xây dựng phần mềm ứng dụng, người ghi nhật ký có thể sử dụng đơn giản, hiệu quả, ít thao tác, giảm thiểu sai sót.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công thông tin trong việc ghi nhật ký sau khi được thực hiện rộng rãi, cần xây dựng quy định về cách thức kiểm tra, giám sát nội dung ghi nhật ký từ phía người ra quyết định thanh tra với cá nhân ghi nhật ký. Đồng thời, đưa ra quy định về việc sửa đổi, cập nhật nhật ký Đoàn thanh tra trên phần mềm ứng dụng, để đảm bảo tính chính xác, khách quan của nội dung làm việc đã được ghi nhận. Cơ quan thanh tra các cấp xây dựng chương trình tập huấn sử dụng phần mềm ứng dụng để có thể nhanh chóng đưa việc áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thanh tra thực hiện kịp thời. Lưu ý cần đảm bảo yếu tố an toàn bảo mật thông tin trong bối cảnh có tội phạm công nghệ diễn ra phức tạp.
Trên đây là một số ý kiến trao đổi với các đồng nghiệp của tác giả về hoạt động ghi nhật ký Đoàn thanh tra theo quy định mới tại Thông tư 06/2021/TT-TTCP./.
Đinh Ngọc Tân
Giảng viên, Khoa Nghiệp vụ Thanh tra
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)