I. Khái quát về thanh tra trách nhiệm
1. Khái niệm về thanh tra trách nhiệm
Để hiểu về thanh tra trách nhiệm, trước tiên cần hiểu về trách nhiệm, cụ thể:
Trách nhiệm có thể được tiếp cận từ những góc độ khác nhau. Trách nhiệm trong hoạt động quản lý nhà nước được hiểu là những vấn đề thuộc về chức trách, nhiệm vụ được giao trong đó bao gồm cả các yếu tố về quyền và nghĩa vụ đã được pháp luật quy định, là phần việc, phận sự phải thực hiện, nếu không sẽ phải gánh chịu hậu quả nhất định.
Pháp luật có những quy định cụ thể về chế độ trách nhiệm đối với mỗi chủ thể quản lý được Nhà nước trao quyền, trong đó có trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do vậy, về phương diện pháp lý người ta đề cập đến trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm hình sự.
Thuật ngữ “trách nhiệm” có thể được hiểu theo hai nghĩa:
– Trách nhiệm được hiểu là nghĩa vụ (gắn với quyền cụ thể) được pháp luật quy định buộc các chủ thể phải thực hiện hay trách nhiệm theo nghĩa này luôn gắn với thẩm quyền. Ví dụ: trách nhiệm của Bộ trưởng; trách nhiệm của Chủ tịch tỉnh; trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra…
Theo nghĩa này, trách nhiệm là việc mà các chủ thể phải làm, đó là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nghĩa vụ của các chủ thể. Đối với cán bộ, công chức, viên chức hay thủ trưởng các cơ quan nhà nước, trách nhiệm là toàn bộ các chức trách, nhiệm vụ được giao và buộc phải thực hiện. Đó là tiêu chí đánh giá năng lực cá nhân và mức độ hoàn thành nhiệm vụ cụ thể của các chủ thể, là căn cứ quan trọng để các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm và giám sát việc thi hành pháp luật.
– Trách nhiệm theo nghĩa là hậu quả bất lợi (sự phản ứng mang tính trừng phạt của nhà nước) mà các chủ thể phải chịu khi đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến các khách thể được pháp luật bảo vệ.
Trách nhiệm hành chính là nghĩa vụ mà cá nhân hay tổ chức phải gánh chịu những hậu quả do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng cho cá nhân hay tổ chức có hành vi vi phạm hành chính. Những hình phạt này được biểu hiện dưới dạng phạt vi phạm pháp luật hành chính như: phạt tiền, thu hồi giấy phép hành nghề, tịch thu, trưng thu tài sản…
Trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước là những nghĩa vụ mà cơ quan hành chính nhà nước phải thực hiện trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước được xác định từ những quy định của các văn bản pháp luật. Như vậy, các cơ quan hành chính nhà nước có rất nhiều trách nhiệm, bao gồm: tổ chức các hoạt động để phát triển kinh tế xã hội; tổ chức các hoạt động để giữ gìn trật tự an ninh, an toàn xã hội; xây dựng những dự án, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế văn hoá xã hội; tổ chức, chỉ đạo, điều hành các hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng…
2. Nội dung và hình thức của hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra
2.1. Về nội dung
Nội dung hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra xuất phát từ mục đích của hoạt động thanh tra nói chung và mục đích của hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra sau thanh tra nói riêng, cụ thể như sau: quá trình tổ chức chỉ đạo việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý việc thực hiện kết luận, kiến nghị, xử lý việc thực hiện kết luận thanh tra của thủ trưởng cơ quan thanh tra hoặc thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước hoặc thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có liên quan đến tiến độ và kết quả thực hiện các nội dung trong kết luận thanh tra của đối tượng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; những tồn tại hoặc khó khăn, vướng mắc có liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra; nhắc nhở các nội dung được ghi trong kết luận thanh tra chưa hoàn thành việc thực hiện; yêu cầu đối tượng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra báo cáo giải trình nguyên nhân của tình trạng chưa hoàn thành việc thực hiện kết luận thanh tra; các biện pháp thúc đẩy và trách nhiệm của các bên liên quan trong việc thực hiện kết luận thanh tra. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra (khó khăn vướng mắc khách quan và chủ quan tác động đến việc thực hiện); nguyên nhân và trách nhiệm của các bên liên quan đối với tình trạng chưa hoàn thành thực hiện kết luận thanh tra (làm rõ nguyên nhân về trách nhiệm của đối tượng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra)…
2.2. Về hình thức:
Hình thức là cách thức tồn tại, vẻ bên ngoài của nội dung và luôn gắn bó chặt chẽ với nhau trong một thể thống nhất. Không có hình thức nào tồn tại thuần túy không chứa đựng nội dung, ngược lại cũng không có nội dung nào lại không tồn tại trong một hình thức xác định. Nội dung nào có hình thức đó. Nội dung và hình thức không tồn tại tách rời nhau, nhưng không hẳn lúc nào nội dung và hình thức cũng phù hợp với nhau. Không phải một nội dung bao giờ cũng chỉ được thể hiện ra trong một hình thức nhất định, và một hình thức luôn chỉ chứa một nội dung nhất định, mà một nội dung trong quá trình phát triển có thể có nhiều hình thức thể hiện, ngược lại, một hình thức có thể thể hiện nhiều nội dung khác nhau. Trong hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra cần phải chủ động sử dụng nhiều hình thức khác nhau, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn trong những giai đoạn khác nhau vì cùng một nội dung trong quá trình thực hiện có thể có nhiều hình thức, ngược lại, một hình thức có thể chứa đựng nhiều nội dung.
Hình thức hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra được tiến hành thông qua việc yêu cầu đối tượng thanh tra, cá nhân, tổ chức có liên quan báo cáo về tình hình thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra và cung cấp tài liệu, thông tin chứng minh kèm theo. Căn cứ vào từng vụ việc cụ thể, người theo dõi có thể gửi văn bản yêu cầu hoặc trực tiếp làm việc với đối tượng thanh tra và cá nhân, tổ chức có liên quan để nắm bắt thông tin về tình hình thực hiện kết luận thanh tra.
Hình thức hoạt động đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra được tiến hành bằng hình thức gửi văn bản đôn đốc hoặc làm việc trực tiếp với đối tượng thanh tra, cá nhân và tổ chức có liên quan đến việc thực hiện, chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra.
Hình thức hoạt động kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra được tiến hành bằng hình thức quyết định hành chính khi hoạt động theo dõi và đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra không đạt kết quả. Các quyết định hành chính luôn được coi là hình thức quan trọng, có giá trị pháp lý cao nhất trong tất cả các hình thức tổ chức thực hiện kết luận thanh tra. Chính vì vậy, việc đưa ra các quyết định hành chính luôn được đánh giá cao về khả năng thực thi của nó. Tuy nhiên, nếu các quyết định kiểm tra càng nhiều so với các hình thức khác thì chứng tỏ hoạt động theo dõi và đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra chưa hiệu quả và cần ra quyết định kiểm tra để có các xử lý hiệu quả hơn.
II. Kết quả đạt được qua công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra xử lý sau thanh tra
Việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra trong thời gian qua nói chung còn một số hạn chế. Các kiến nghị thu hồi tài sản vi phạm mới chỉ thực hiện được một phần nhỏ, việc thu hồi tài sản thất thoát được kiến nghị trong kết luận thanh tra gặp rất nhiều khó khăn. Về xử lý hành chính, các đơn vị thường làm chiếu lệ kiểm điểm rút kinh nghiệm hay đưa ra mức kỷ luật nhẹ chưa đúng với hành vi vi phạm.
Năm 2019, toàn ngành thanh tra đã triển khai 6.601 cuộc thanh tra hành chính và 227.386 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm kinh tế 173.411 tỷ đồng, 22.548 ha đất; kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước 83.968 tỷ đồng và 897 ha đất (đã thu 1.161 tỷ đồng, 121 ha đất); xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 89.443 tỷ đồng, 21.651 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với 1.967 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành 113.625 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 5.315 triệu đồng, chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 94 vụ, 121 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.
Toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 3.732 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi và xử lý khác 7.200 tỷ đồng (đạt 72%), 106 ha đất (đạt 31,3%), đôn đốc xử lý 969 tập thể, 3.170 cá nhân, chuyển cơ quan chức năng khởi tố 17 vụ, 61 đối tượng, trong đó:
Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra đôn đốc 18 kết luận thanh tra, thu hồi và xử lý về kinh tế 1.290 tỷ đồng (98,5%); căn cứ vào các kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ các đơn vị đã thực hiện kiểm điểm, xử lý hành chính đối với 100 tập thể, 308 cá nhân có liên quan, rà soát các vụ việc có sai phạm, chuyển cơ quan chức năng khởi tố 09 vụ việc, 19 đối tượng.
Thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 3.714 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi 5.910 tỷ đồng, đạt 68%, và 106 ha đất, đạt 31,3%; thựchiện xử lý hành chính đối với 869 tập thể, 2.862 cá nhân, chuyển cơ quan chức năng khởi tố 08 vụ, 42 đối tượng.
III. Kiến nghị
Có thể nói, để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra cần tập trung thực hiện những kiến nghị sau:
– Thường xuyên chỉ đạo, quán triệt việc thực hiện các quy định của pháp luật về về thanh tra, xác định đây là công việc trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành.
– Cần trú trọng nâng cao hiểu biết, nâng cao tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện chức trách công vụ. Chỉ đạo, chấn chỉnh, chú trọng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát đối với thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, các ngành.
– UBND cấp huyện, cấp tỉnh và các sở, ngành cần tăng cường quan tâm hơn nữa đối với công tác thanh tra. Hàng năm phải có sơ kết, đánh giá trên cá mặt công tác, xác định những tồn tại, hạn chế yếu kém còn tồn tại để kịp thời chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thanh tra.
– Chú trọng công tác hướng dẫn, tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, bổ sung cán bộ, đảm bảo đủ về số lượng, mạnh về chất lượng làm công tác thanh tra.
ThS Lê Thanh Thủy – Phó Trưởng Khoa Nghiệp vụ Thanh tra,
Trường Cán bộ Thanh tra
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)