Một số vấn đề đặt ra đối với công tác theo dõi thi hành pháp luật từ thực tiễn ngành thanh tra
Thời gian qua, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã được Chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước quan tâm và xác định đây là một trong những biện pháp nhằm mục tiêu quan trọng nhất đó là bảo đảm hiệu quả thi hành pháp luật. Ngày 23/7/2012 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Qua thực hiện, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng cũng còn một số tồn tại cần khắc phục để nâng cao chất lượng công tác này tại các bộ, ngành, địa phương.
1. Theo dõi tình hình thi hành pháp luật là một trong những biện pháp nhằm bảo đảm tính thực thi của pháp luật, dựa trên những cơ sở pháp lý được Hiến pháp quy định. Ngay từ Hiến pháp năm 1992, tại Khoản 2 Điều 112 đã quy định Chính phủ có nhiệm vụ “Bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trong các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và công dân…”. Trên cơ sở Hiến pháp năm 1992, Luật tổ chức Chính phủ năm 2001 cũng quy định trách nhiệm của Chính phủ trong việc quyết định các biện pháp chỉ đạo và kiểm tra việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, các quyết định của Chính phủ trong các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân…[1]”. Sau đó, Khoản 1 Điều 94 và khoản 1 Điều 106 Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003 quy định Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ “Tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra việc thi hành Hiến pháp, luật, các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp…”; Uỷ ban nhân dân cấp huyện có nhiệm vụ “Chỉ đạo, tổ chức công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp”.
Từ đó đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, chỉ thị về công tác này. Trong đó, Chính phủ quy định trách nhiệm theo dõi tình hình thi hành pháp luật cho các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương, đặc biệt là giao nhiệm vụ quan trọng cho các cơ quan ngành tư pháp (Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp). Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/2010/TT-BTP ngày 03/03/2010 hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Đây có thể coi là văn bản quy phạm pháp luật chuyên biệt đầu tiên về công tác theo dõi thi hành pháp luật. Theo quy định tại Thông tư số 03/2010/TT-BTP thì công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật thực hiện trên cơ sở theo dõi, đánh giá về 05 nội dung sau:
– Tình hình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; văn bản chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và của cơ quan nhà nước cùng cấp có thẩm quyền;
– Mức độ tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân;
– Hiệu quả của công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật;
– Tính hợp lý của các quy định pháp luật;
– Các biện pháp tổ chức thi hành pháp luật và các điều kiện bảo đảm cho việc thi hành pháp luật.
2. Ngày 23 tháng 07 năm 2012 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP thì Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên cơ sở xem xét, đánh giá 03 nội dung sau đây:
Thư nhất, tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật;
Thứ hai, tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật;
Thứ ba, tình hình tuân thủ pháp luật.
Mục đích của theo dõi tình hình thi hành pháp luật được xác định là nhằm xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật, kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Việc theo dõi được thực hiện theo các nguyên tắc: Khách quan, công khai, minh bạch; thường xuyên, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; kết hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo lĩnh vực và theo địa bàn; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình theo dõi tình hình thi hành pháp luật; không trùng lắp, chồng chéo với các hoạt động thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước đã được pháp luật quy định; huy động sự tham gia của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và nhân dân.
Liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng, bộ, cơ quan ngang Bộ phải theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ. Cơ quan thuộc Chính phủ theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực được phân công. Tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực được phân công. Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
3. Theo quy định hiện hành, Thanh tra Chính phủ cũng phải thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý của ngành Thanh tra. Tuy nhiên, so với các bộ, ngành khác, việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật của ngành Thanh tra cũng có những đặc thù.
Các cơ quan Thanh tra nhà nước có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khá đặc thù trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước. Trước hết, nhiệm vụ chủ yếu của các cơ quan thanh tra là tiến hành các hoạt động thanh tra. Đó là tiến hành hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân[2]. Mục đích đầu tiên của hoạt động thanh tra đó là nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục. Bên cạnh đó, trong quản lý nhà nước theo lĩnh vực, ngành Thanh tra được Chính phủ giao giúp Chính phủ quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Cụ thể là: “Thanh tra Chính phủ là cơ quan của Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật”[3]. Các cơ quan thanh tra nhà nước khác cũng được giao nhiệm vụ tham mưu giúp thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực trên.
Thực tiễn các cuộc thanh tra trách nhiệm do các cơ quan thanh tra nhà nước tiến hành đối với các cơ quan hành chính trong việc chấp hành chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng cho thấy các kết luận Thanh tra đều có nội dung xem xét, đánh giá tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật; tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật; tình hình tuân thủ pháp luật. Như vậy, theo thẩm quyền, phạm vi trách nhiệm thì hoạt động thanh tra cũng có thể coi là “theo dõi thi hành pháp luật” theo nghĩa rộng.
Quan điểm, chủ trương của Đảng và nhà nước ta trong thời gian tới là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã ghi rõ: “Các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính chuyển mạnh sang xem xét, đánh giá hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước. Các cơ quan thanh tra ngành, lĩnh vực tập trung kiểm tra việc chấp hành pháp luật và xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày và lợi ích của người dân”. Xu hướng đó đòi hỏi phải tăng cường vai trò của ngành Thanh tra trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Ngành và tình hình thi hành pháp luật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước nói chung.
4.Qua thực hiệnNghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và từ thực tiễn hoạt động của ngành Thanh tra, để bảo đảm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật có hiệu quả, xin có một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, Trước hết, cần tiếp tục thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Điều 99 Hiến pháp năm 2013 quy định, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm “tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều văn kiện của Đảng cũng đã đề ra chủ trương phải chuyển từ xây dựng và hoàn thiện pháp luật sang tiếp tục hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Đây là những yêu cầu rất quan trọng cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật ở Việt Nam.
Thứ hai, cần có nhận thức thống nhất về nội dung, mục đích, ý nghĩa của hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Mặc dù công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã được thực hiện khá lâu. Tuy nhiên, hiện chưa có sự giải thích thống nhất về nội dung của hoạt động này nhằm bảo đảm không bị trùng lặp với các hoạt động khác như hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát. Nên chăng, khi sửa đổi số Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, cần có quy phạm giải thích rõ nội hàm hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Thứ ba, về nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật phải được xác định trên cơ sở những tiêu chí chung nhất. Quá trình thu thập thông tin, số liệu, tiến hành kiểm tra, điều tra, khảo sát… nên tập trung vào các nội dung bao gồm: việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật; việc bảo đảm các điều kiện cho việc thi hành pháp luật; việc chấp hành và tuân thủ pháp luật nói chung. Đối với các nội dung cụ thể như xem xét, đánh giá việc ban hành từng văn bản cụ thể hay xem xét, đánh giá việc thi hành pháp luật đối với từng vụ việc cụ thể nên xác định là trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, thuộc phạm vi thẩm quyền của các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước và cơ quan thanh tra, kiểm tra.
Thứ tư, xác định vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật nói chung.
Thứ năm, do đặc thù về nhiệm vụ, thẩm quyền của ngành Thanh tra, trong thời gian tới, cần có sự phối hợp của các cơ quan thanh tra nhà nước và giữa cơ quan thanh tra nhà nước với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong việc xây dựng hệ thống dữ liệu về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng để kịp thời xem xét, đánh giá một cách toàn diện việc thi hành pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc chấn chỉnh các chủ thể có thẩm quyền hoặc áp dụng các biện pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo trật tự kỷ cương luật pháp trong lĩnh vực quản lý của ngành Thanh tra. Cần bảo đảm sự kết nối chặt chẽ giữa công tác theo dõi thi hành pháp luật của ngành Thanh tra với công tác xây dựng thể chế, nhất là các văn bản quan trọng như Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng, Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) đang được xây dựng, hoàn thiện./.
TS. Nguyễn Tuấn Khanh
Phó Viện trưởng, Viện Khoa học Thanh tra
(Nguồn http://giri.ac.vn)
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn http://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)