Những năm qua, Thanh tra thành phố Hà Nội với vai trò quan trọng là cơ quan tham mưu, giúp UBND thành phố trong quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Công tác thanh tra của thành phố Hà Nội có những chuyển biến mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu, phạm vi thanh tra được triển khai rộng khắp trong phạm vi của thành phố, ở các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần không nhỏ vào việc tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước, củng cố trật tự quản lý trong các lĩnh vực kinh tế xã hội của thành phố. Ngoài việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, hoạt động thanh tra của thành phố Hà Nội cũng đã có nhiều kiến nghị có giá trị, giúp các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật để hoàn thiện cơ chế quản lý, tạo lập hành lang pháp lý và môi trường lành mạnh cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như bình ổn an sinh xã hội.
Tính từ năm 2014 đến tháng 6/2017, Thanh tra TP Hà Nội đã triển khai 313 cuộc thanh tra theo kế hoạch và đột xuất do Thành ủy, UBND thành phố giao, trong đó có những Đoàn thanh tra phức tạp, báo chí và dư luận xã hội quan tâm như thanh tra việc thực hiện thay thế một số cây xanh trên địa bàn thành phố; thanh tra toàn diện việc phá dỡ, cấp phép xây dựng các nhà biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước và tư nhân; thanh tra việc quản lý và sử dụng đất đai tại các dự án nhà ở do DNTN số 1, tỉnh Điện Biên thực hiện trên địa bàn thành phố; thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng tại 8B Lê Trực; thanh tra toàn diện việc quản lý và sử dụng diện tích đất khu sân bay Miếu Môn tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức… Kết quả thanh tra phát hiện sai phạm 3.353 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 2.346 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 1.007 tỷ đồng và 8.875 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm, rút kinh nghiệm đối với 440 tập thể; 226 cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm; kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra 15 vụ[1].
Để có được những kết quả trên là do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố; sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức cơ quan, sự phối kết hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, quận, huyện. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra đi vào thực chất, phụ thuộc rất lớn vào việc nhận thức và triển khai thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị sau thanh tra được thực hiện như thế nào?
Ở thành phố Hà Nội, UBND thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các đơn vị có liên quan nghiêm túc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra tại nhiều đơn vị ở thành phố Hà Nội chưa nghiêm túc, kịp thời, thể hiện ở một số nội dung sau:
– Chậm chỉ đạo xử lý kết luận thanh tra; không quan tâm đến việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị vó trách nhiệm phải thi hành kết luận thanh tra (quyết định thu hồi tiền, thu hồi đất, giảm trừ quyết toán, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hành chính…), chậm triển khai tổ chức thực hiện hoặc thực hiện thiếu nghiêm túc, không đầy đủ nội dung, không báo cáo tổ chức thực hiện.
– Tỷ lệ thu hồi sau thanh tra còn hạn chế. Việc xử lý trách nhiệm của các tập thể và cá nhân có vi phạm ở một số đơn vị còn hình thức, chưa nghiêm túc, chủ yếu là rút kinh nghiệm.
– Việc chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm có nơi, có lúc còn bất cập (có đơn vị chậm chuyển hồ sơ; cơ quan Cảnh sát điều tra chậm tiếp nhận hồ sơ, không thông tin phản hồi về kết quả khởi tố vụ án…).
– Công tác quản lý nhà nước về công tác thanh tra tại nhiều đơn vị còn hạn chế; một số đơn vị thiếu nghiêm túc trong việc chấp hành chế độ thông tin báo cáo về công tác thanh tra, việc tổ chức thực hiện kết luận thanh tra. Việc tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra, chỉ đạo xử lý sau thanh tra của các cơ quan cấp trên (thành phố, trung ương) còn nhiều bất cập[2].
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, UBND thành phố Hà Nội đã có các văn bản số 7619/UBND-NC ngày 11/10/2013 chỉ đạo thực hiện Thông tư 01/2013/TT-TTCP ngày 12/3/2013 của Thanh tra Chính phủ về việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; Công văn số 6295/UBND-NC ngày 14/9/2015 chỉ đạo thực hiện Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ về việc thực hiện kết luận thanh tra, yêu cầu các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; chỉ đạo các cơ quan thanh tra tăng cường phối hợp, trao đổi với các Bộ ngành, cơ quan trung ương trong quá trình thực hiện thanh tra, tổ chức thực hiện kết luận thanh tra.
UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, rà soát việc tổ chức thực hiện kết luận thanh tra theo chỉ đạo của các cơ quan trung ương như triển khai tự kiểm tra công tác xử lý sau thanh tra theo Kế hoạch số 1840/TTCP-GS,TĐ&XLSTT ngày 11/8/2014 của Thanh tra Chính phủ, triển khai rà soát các đoàn thanh tra kinh tế xã hội từ năm 2011 đến năm 2014 theo Hướng dẫn số 06-HD/BNCTW ngày 16/4/2015 của Ban Nội chính Trung ương và Kế hoạch số 157-KH/TU ngày 15/5/2015 của Thành ủy Hà Nội. Qua kiểm tra, rà soát để đánh giá tình hình, kết quả công tác thanh tra; những khó khăn, vướng mắc, hạn chế và đề xuất những giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, tổ chức thực hiện kết luận thanh tra.
Để tiếp tục chấn chỉnh các hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra; xử lý nghiêm những sai phạm theo kết luận thanh tra, qua đó tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, gắn với việc thực hiện “năm kỷ cương hành chính” theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, thành phố Hà Nội cần thực hiện quyết liệt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cưòng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; nâng cao vai trò trách nhiệm của ngưòi đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác thanh tra, tổ chức thực hiện kết luận thanh tra.
Thủ trưởng các Sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã quan tâm chỉ đạo xây dựng và triển khai công tác thanh tra hàng năm; bám sát định hướng chương trình công tác thanh tra được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Xác định mục tiêu thanh tra, thực hiện kết luận thanh tra không chỉ để xử lý các sai phạm mà còn để chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, giúp phòng ngừa vi phạm, góp phần phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô. Các cấp ủy đảng chủ động, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các kết luận thanh tra.
Các Sở, ban ngành, UBND các quận, huyện, thị xã cần báo cáo, xin ý kiến của cấp ủy Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra hàng năm. Đối với vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài, cần chủ động báo cáo cấp ủy Đảng để xin ý kiến chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt.
Thứ hai, tổ chức thực hiện quyết liệt, sát sao ngay từ sau khi có kết luận, kiến nghị thanh tra và chỉ đạo xử lý sau thanh tra của cấp có thẩm quyền.
Căn cứ kết luận thanh tra của cơ quan Thanh tra, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về xử lý, khắc phục vi phạm sau thanh tra, các cấp chính quyền từ Thành phố đến cấp xã phải có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị chức năng, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện (yêu cầu tổ chức, cá nhân phải lập kế hoạch thực hiện, quy định thời gian, chế độ báo cáo);
Hàng năm, Thanh tra Thành phố có kế hoạch kiểm tra các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trong việc chấp hành và việc thực hiện các kết luận, kiến nghị thanh tra và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; xử lý đề xuất xử lý vi phạm theo thẩm quyền, báo cáo ƯBND Thành phố định kỳ vào ngày 15/9 hàng năm.
Trong quá trình kiểm tra, đối với các trường hợp vi phạm nhưng cố tình không chấp hành, không thực hiện kết luận thanh tra và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về xử lý, khắc phục sau thanh tra; Thanh tra Thành phố chuyển sang cơ quan Công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Thứ ba, tổ chức rà soát kiểm tra, tổng hợp việc thực hiện các kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra trên địa bàn Thành phố
– Đối với các kết luận thanh tra của các cơ quan Trung ương, của UBND Thành phố, của các Sở, ngành Thành phố trong thời gian từ ngày 1/1/2011 đến ngày 31/12/2017: Thanh tra Thành phố, các Sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc UBND Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã phải rà soát, báo cáo kết quả tổ chức thực hiện, xác định rõ các nội dung kết luận, kiến nghị đã thực hiện, đang thực hiện nhưng chưa dứt điểm, chưa thực hiện, đề xuất kiến nghị việc xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp không thực hiện và các biện pháp để yêu cầu thực hiện nghiêm túc. Thanh tra Thành phố là đơn vị hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.
– Chủ tịch UBND các quận, huyện thị xã rà soát, kiểm tra, tổng hợp các kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra do cấp huyện ban hành trong thời gian từ ngày 1/1/2011 đến ngày 31/12/2017; xác định rõ các nội dung kết luận, kiến nghị đã thực hiện, đang thực hiện nhưng chưa dứt điểm, chưa thực hiện, đề xuất kiến nghị việc xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp không thực hiện và các biện pháp để yêu cầu thực hiện nghiêm túc.
Các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm báo cáo Thanh tra Thành phố. Thanh tra Thành phố tổ chức hứớng dẫn, đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện, tổng họp báo cáo UBND Thành phố.
– Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, UBND Thành phố (đối với các kết luận do Thanh tra Thành phố tổng họp báo cáo) và UBND các quận, huyện, thị xã phân công và chỉ đạo thực hiện dứt điểm từng nội dung, từng vụ việc, đảm bảo hết năm 2018 không còn vụ việc tồn đọng chưa thực hiện.
Thứ tư, tăng cường quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan trong việc tổ chức thực hiện các kiến nghị thanh tra, làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật về thanh tra.
Trong quá trình thực hiện, phải có sự phối hợp giữa cơ quan Thanh tra với cơ quan quản lý nhà nước; giữa cơ quan thanh tra cấp trên với cơ quan thanh tra cấp dưới để trao đổi thông tin, rà soát tránh chồng chéo trong quá trình xây dựng kế hoạch, triển khai thanh tra và góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện kết luận thanh tra.
Tăng cường phối hợp giữa cơ quan Thanh tra với các cơ quan: Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Ban Nội chính Thành ủy để trao đổi thông tin, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, tiêu cực, tham nhũng.
Thanh tra Thành phố phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thanh tra; chú trọng việc tổ chức thực hiện các kết luận thanh tra. Thanh tra Thành phố và các Sở, ngành liên quan tăng cường phối hợp với các Ban của Hội đồng nhân dân Thành phố trong việc trao đổi thông tin, đôn đốc giám sát việc thực hiện các kết luận của Thanh tra, đặc biệt là các nội dung đã được giám sát, kiến nghị./.
[1] Các báo cáo tổng kết công tác thanh tra của thành phố Hà Nội từ năm 2014 đến năm 2017
[2] Đề án “Một số giải pháp nâng cao kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra trên địa bàn TP Hà Nội” của học viên Đoàn Việt Hùng, Lớp TTVCC 2018
TS. Nguyễn Huy Hoàng
Phó Hiệu trưởng Trường CBTT
Đoàn Việt Hùng
Phó trưởng phòng, Thanh tra TP Hà Nội
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn http://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)