Ngày 19/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 124/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại 2011 thay thế cho Nghị định số 75/2012/ NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại. Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ra đời đã góp phần giải quyết những bất cập hiện nay trong công tác giải quyết khiếu nại hành chính. Một số điểm mới đáng chú ý trong Nghị định số 124/2020/NĐ-CP được quy định như sau:
– Thứ nhất, về hình thức khiếu nại: Nghị định số 75/2012/NĐ-CP không có quy định về mẫu đơn khiếu nại. Hiện nay, khi bàn về câu chuyện hình thức khiếu nại thì Nghị định số 124/2020/NĐ-CP chính thức có quy định về mẫu đơn khiếu nại bổ sung và hướng dẫn chi tiết cho quy định về hình thức khiếu nại của Luật Khiếu nại 2011. Quy định này, đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ tiếp công dân trong quá trình tiếp, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, phân loại, xử lý đơn khi thống nhất mẫu đơn áp dụng chung cho công dân đến khiếu nại.
– Thứ hai, quy định về giải quyết khiếu nại lần hai: Điều 33 Luật Khiếu nại quy định:“Trường hợp khiếu nại lần hai thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, các tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.”
Với quy định này, trong thực tế tại một số địa phương người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai “loay hoay” trong việc ban hành quyết định giải quyết khiếu nại của mình khi trường hợp quá thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu, mà khiếu nại chưa được giải quyết, thì việc ban hành quyết định của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai gọi là quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hay lần hai? Đồng thời, theo quy định tại Điều 33 Luật Khiếu nại 2011 về hồ sơ, tài liệu cần có khi người khiếu nại chuẩn bị cho việc khiếu nại tiếp lên cấp trên, đòi hỏi bắt buộc phải có “quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu”, làm cho người khiếu nại gặp khó khăn khi thực hiện việc khiếu nại trong trường hợp cấp dưới “lờ đi” không giải quyết và cũng “tạo điều kiện” cho cấp trên thực sự có ý muốn “bao che” cho hành vi vi phạm của cấp dưới, khi người dân vốn là bên yếu thế hơn so với cơ quan công quyền, để khắc phục vấn đề này Nghị định số 124/2020/NĐ-CP quy định:
“Trường hợp khiếu nại lần hai thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, các tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.
Trường hợp quá thời hạn quy định mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết thì người khiếu nại gửi đơn đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai, nêu rõ lý do và gửi kèm các tài liệu có liên quan về vụ việc khiếu nại. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai phải xem xét thụ lý giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai. Quyết định giải quyết khiếu nại trong trường hợp này là quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.
Người giải quyết khiếu nại lần hai áp dụng biện pháp xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu nếu có hành vi vi phạm pháp luật.”
Quy định của Nghị định 124/2020/NĐ-CP về giải quyết khiếu nại lần 2 chính thức tháo gỡ những bất cập trong tên gọi ban hành quyết định giải quyết của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai, hay hồ sơ công dân phải cung cấp trong trường hợp quá thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà khiếu nại không được giải quyết. Đặc biệt, trong nghị định số 124/2020/NĐ-CP về khiếu nại lần hai đã bổ sung thêm quy định về xử lý vi phạm đối với trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu, tránh việc “ỷ lại” của cấp dưới cho cấp trên trong giải quyết khiếu nại hành chính.
– Thứ ba, quy định về tổ chức đối thoại trong giải quyết khiếu nại lần 2: Luật Khiếu nại 2011 quy định “Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2 trực tiếp đứng ra tổ chức đối thoại”. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai thường là Chủ tịch UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp tỉnh mà Chủ tịch UBND cấp huyện hay Chủ tịch UBND cấp tỉnh, có rất nhiều việc phải giải quyết nên trực tiếp đứng ra tổ chức đối thoại là rất khó khả thi. Thông tư 07/2013 mở ra hướng giải quyết, khi quy định “trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh tổ chức đối thoại”. Như vây, quy định này tuy đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, nhưng về nguyên tắc là không đúng với tinh thần của Luật Khiếu nại 2011. Thay thế quy định của Nghị định số 75/2012/NĐ-CP, Nghị định số 124/2020/NĐ-CP quy định như sau:
“Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại phải tổ chức đối thoại.
Người giải quyết khiếu nại lần hai là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc sở hoặc tương đương phải trực tiếp đối thoại với người khiếu nại.
Người giải quyết khiếu nại lần hai là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải trực tiếp đối thoại trong trường hợp khiếu nại phức tạp (có nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung, có nhiều ý kiến khác nhau của các cơ quan có thẩm quyền về biện pháp giải quyết, người khiếu nại có thái độ gay gắt, dư luận xã hội quan tâm, vụ việc ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội).
Đối với các trường hợp khác, có thể phân công cấp phó của mình hoặc thủ trưởng cơ quan chuyên môn cùng cấp hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ xác minh đối thoại với người khiếu nại”.
– Thứ tư, quy định về đại diện thực hiện khiếu nại: Luật Khiếu nại 2011 quy định tại Điều 12 Quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại: người khiếu nại có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp thực hiện việc khiếu nại. Tuy nhiên, lại chưa có hướng dẫn cụ thể về mẫu giấy ủy quyền khiếu nại dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng. Luật Khiếu nại quy định người khiếu nại là cá nhân có thể ủy quyền cho luật sự, trợ giúp viên pháp lý nhưng không quy định việc người đại diện của cơ quan, tổ chức thực hiện việc khiếu nại có được ủy quyền cho luật sư để thực hiện việc khiếu nại hay không. Trường hợp đang thực hiện việc khiếu nại mà người khiếu nại bị chết, mất tích thì xử lý như thế nào có giải quyết tiếp không, hay đình chỉ giải quyết, trong khi quy định về đình chỉ trong Luật Khiếu nại chỉ quy định đình chỉ khi người khiếu nại rút đơn. Những bất cập mà Luật Khiếu nại hay Nghị định số 75/2020/NĐ-CP chưa giải quyết được, đã được Nghị định số 124/2020/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể như sau:
“Người khiếu nại có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại. Việc xác định người đại diện được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.
Cơ quan, tổ chức thực hiện việc khiếu nại thông qua người đại diện theo pháp luật. Người đại diện của cơ quan, tổ chức được ủy quyền cho luật sư hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại.
Việc ủy quyền quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này phải bằng văn bản và được chứng thực hoặc công chứng. Người ủy quyền được ủy quyền khiếu nại cho một người hoặc nhiều người về các nội dung ủy quyền khác nhau nhưng không được ủy quyền một nội dung cho nhiều người thực hiện. Văn bản ủy quyền khiếu nại được thực hiện theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định này.
Người khiếu nại đang thực hiện việc khiếu nại bị chết mà quyền, nghĩa vụ của người đó được thừa kế theo quy định của pháp luật thì người thừa kế có quyền khiếu nại; người thừa kế khi khiếu nại phải xuất trình với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại giấy tờ để chứng minh quyền thừa kế của mình. Người thừa kế có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp có nhiều người thừa kế thì những người đó có quyền ủy quyền cho một trong nhưng người thừa kế hoặc luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại”.
– Thứ năm, bổ sung quy định về trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại: Trước đây trong nghị định số 75/2012/NĐ-CP không đề cập đến trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại hành chính, nội dung này được quy định trong Thông tư số 07/2013/NĐ-CP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ. Để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình giải quyết khiếu nại, nội dung này, một lần nữa được ghi nhận trong Nghị định 124/2020/NĐ-CP gồm các bước: Thụ lý, chuẩn bị nội dung xác minh khiếu nại, tiến hành xác minh nội dung khiếu nại, Ban hành, gửi, công khai quyết định giải quyết khiếu nại và lập, quản lý hồ sơ khiếu nại.
– Thứ sáu, quy định về xử lý vi phạm: Nghị định số124/2020/NĐ-CP quy định chi tiết các hình thức kỷ luật được áp dụng trong trường hợp người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại, người có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật mà có hành vi vi phạm pháp luật khiếu nại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức như: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lượng, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
Trên đây, là những điểm mới của Nghị định số 124/2020 NĐ-CP có hiệu lực chính thức vào ngày 10/12/2020 thay thế cho Nghị định số 75/2012. Những điểm mới của Nghị định số 124/2020 sẽ góp phần quan trọng trong công tác giải quyết khiếu nại hành chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khiếu nại, thể hiện bản chất nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhà nước của dân, do dân và vì dân.
ThS. Đào Thảo Ly – ThS. Nguyễn Mai Anh
Khoa Quản lý nhà nước và phòng chống tham nhũng
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)