Dự thảo Luật Thanh tra
(sửa đổi) có nhiều nội dung đổi mới. Một trong những nội dung thay đổi quan
trọng là các cơ quan thanh tra được tổ chức, sắp xếp lại, trong đó có cơ quan
tiếp công dân cấp tỉnh và cấp huyện. Dự thảo Luật Thanh tra dự kiến sẽ đưa Ban
Tiếp công dân cấp tỉnh thuộc cơ cấu của thanh tra tỉnh, do một Phó chánh Thanh
tra tỉnh làm Trưởng ban .
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa
đổi) có nhiều nội dung đổi mới. Một trong những nội dung thay đổi quan trọng là
các cơ quan thanh tra được tổ chức, sắp xếp lại, trong đó có cơ quan tiếp công
dân cấp tỉnh và cấp huyện. Dự thảo Luật Thanh tra dự kiến sẽ đưa Ban Tiếp công
dân cấp tỉnh thuộc cơ cấu của thanh tra tỉnh, do một Phó chánh Thanh tra tỉnh
làm Trưởng ban[1].
Ở cấp huyện, tại những huyện không được thành lập Thanh tra huyện, lập Ban Tiếp
công dân để tham mưu giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện giải quyết khiếu
nại, tố cáo trên địa bàn huyện. Các công chức thanh tra huyện một phần sẽ sắp
xếp, chuyển biên chế về thanh tra tỉnh và một phần chuyển sang Ban Tiếp công
dân huyện[2].
Từ thực tiễn công tác tiếp công dân, qua nghiên cứu dự kiến điếu luật sửa đổi
về tổ chức tiếp công dân trong Dự thảo Luật Thanh tra, chúng tôi thấy có những
bất cập cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trước khi đưa ra trình Quốc hội.
1. Thành tựu và hạn chế
mô hình tổ chức cơ quan tiếp công dân ở địa phương theo Luật Tiếp công dân năm
2013
Theo quy định của pháp luật
hiện hành thì trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính thuộc về
người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Nhưng việc giải quyết khiếu nại, tố
cáo lại do nhiều cơ quan thực hiện. Các cơ quan tham gia vào việc giải quyết
khiếu nại, tố cáo phải có sự phối kết hợp chặt chẽ với nhau để cùng nhau hoàn thành
nhiệm vụ tạo nên mô hình tổ chức giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trước khi Luật
Tiếp công dân được ban hành, chúng ta chưa có mô hình giải quyết khiếu nại, tố
cáo hành chính chung và thống nhất. Tuỳ từng địa phương, từng cấp hành chính và
từng ngành lại có mô hình tổ chức giải quyết khiếu nại, tố cáo khác nhau, trong
đó rõ nét nhất là mô hình cơ quan tiếp công dân cấp tỉnh. Theo quy định hiện
hành, tại thời điểm này cơ quan tiếp công dân cấp tỉnh có tên gọi là “Phòng
Tiếp công dân” trực thuộc Thanh tra tỉnh, sau đó là “Phòng Tiếp công dân” trực
thuộc Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh[3].
Trên thực tế, ở cấp tỉnh đã từng tồn tại một số mô hình tiếp công dân với các
tên gọi và trực thuộc khác nhau như: Văn phòng Tiếp công dân trực thuộc Uỷ ban
nhân dân tỉnh (thành phố Hồ Chí Minh); Ban/Văn phòng/Phòng Tiếp công dân thuộc
Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh (Hà Nội, Bắc Ninh….); Phòng Tiếp công dân thuộc
Thanh tra tỉnh.
Đề án đổi mới công tác tiếp
công dân của Chính phủ được ban hành kèm theo Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 14
tháng 6 năm 2010, cùng với Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo được Quốc hội nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11 tháng
11 năm 2011, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2012 là những văn bản pháp
lý quan trọng thể hiện sự ghi nhận quyền khiếu nại, tố cáo của công dân và sự
quan tâm đặc biệt của Nhà nước trong việc đổi mới công tác tiếp công dân, giải
quyết khiếu nại, tố cáo và các ý nguyện của nhân dân. Theo đó, mô hình cơ quan
tiếp công dân ở địa phương được tổ chức thống nhất như sau:
– Ở cấp tỉnh: Tổ chức tiếp công
dân chung tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh, làm nhiệm vụ tiếp công dân cho
Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và Đoàn Đại biểu Quốc hội. Văn
phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh thành lập Phòng Tiếp công dân để chủ trì, điều hòa,
phối hợp việc tiếp công dân giữa các cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở
Tiếp công dân của tỉnh; quản lý, bảo đảm điều kiện vật chất cho hoạt động của
Trụ sở. Trụ sở Tiếp công dân tỉnh có con dấu riêng. Riêng thành phố Hà Nội và
thành phố Hồ Chí Minh căn cứ vào đặc điểm, tình hình của địa phương tổ chức mô
hình tiếp công dân cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả công tác tiếp công dân. Đối
với Thanh tra tỉnh, Sở, ngành thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức tiếp công
dân tại Trụ sở cơ quan để tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh
thuộc thẩm quyền;
– Ở cấp huyện: Tổ chức tiếp
công dân tại Văn phòng Uỷ ban nhân dân huyện, làm nhiệm vụ tiếp công dân cho
Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân. Uỷ ban nhân dân huyện cử 01 đến
02 cán bộ chuyên trách và một số cán bộ không chuyên trách làm nhiệm vụ tiếp
công dân, được sử dụng con dấu của Văn phòng Uỷ ban nhân dân huyện trong hoạt
động tiếp công dân;
– Ở cấp xã: Tổ chức tiếp công
dân tại Trụ sở Uỷ ban nhân dân xã. Uỷ ban nhân dân xã cử cán bộ chuyên môn kiêm
nhiệm công tác tiếp công dân.
Việc chuyển phòng, bộ phận tiếp
công dân từ trực thuộc Thanh tra sang trực thuộc Văn phòng Uỷ ban nhân dân cấp
huyện, cấp tỉnh là một bước đổi mới. Ngoài việc tạo sự thống nhất trong phạm vi
toàn quốc, mô hình tiếp công dân mới đã đảm bảo rút ngắn thời gian tiếp nhận và
thụ lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; giúp cho việc chỉ đạo của người
đứng đầu được thực hiện một cách hiệu quả; gắn tiếp công dân với chỉ đạo giải
quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn quy định về chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Tiếp công dân một cách cụ thể, thống nhất nên mỗi
địa phương lại có những quy định khác nhau về tổ chức; cũng như chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn; trong việc phối kết hợp giữa hai bộ phận tiếp công dân và
chuyên viên Nội chính[4].
Vấn đề đặt ra là việc xây dựng
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Tiếp công dân như thế nào và việc giải
quyết mối quan hệ giữa hai bộ phận nêu trên ra sao để đảm bảo hiệu quả trong
công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Để giải quyết nội dung này, một số địa
phương gộp Phòng Tiếp công dân và Phòng Nội chính thành Phòng Tiếp công dân –
Nội chính. Ở một số địa phương vẫn duy trì/thành lập Văn phòng Tiếp công dân
trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Tiếp công dân trực thuộc Văn
phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh. Ở những địa phương thành lập Phòng Tiếp công dân –
Nội chính, Văn phòng Tiếp công dân ngoài việc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân,
giải quyết khiếu nại, tố cáo, còn đảm nhiệm thêm nhiệm vụ tham mưu trực tiếp
cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh công việc thụ lý, giao nhiệm vụ xác minh và
dự thảo văn bản giải quyết. Đây có thể là ưu điểm và là cách làm hợp lý.
Như vậy, có thể thấy Đề án đổi
mới công tác tiếp công dân đã khắc phục được sự không thống nhất trong xây dựng
mô hình cơ quan tiếp công dân, tuy nhiên chưa thực sự triệt để. Mô hình cơ quan
tiếp công dân cơ bản trực thuộc Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, nhưng vẫn tồn
tại tên gọi khác nhau, cách thức tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn khác nhau.
Ngày 25 tháng 11 năm 2013, Quốc
hội đã thông qua Luật Tiếp công dân (có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm
2014). Kế thừa nội dung của Quyết định 858/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2010 của
Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới công tác tiếp công dân, Luật
Tiếp công dân đã quy định khá cụ thể về mô hình cơ quan tiếp công dân ở Trung
ương, cấp tỉnh, cấp huyện và việc tiếp công dân tại cấp xã.
Theo Luật Tiếp công dân, ở cấp
tỉnh, Ban Tiếp công dân cấp tỉnh được thành lập, trực thuộc Văn phòng Uỷ ban
nhân dân cấp tỉnh, do một Phó Chánh Văn phòng phụ trách. Ở cấp huyện, Ban Tiếp
công dân cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập, trực thuộc Văn phòng
Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, do một Phó Chánh Văn phòng phụ
trách. Như vậy, lần đầu tiên trong mô hình tổ chức cơ quan tiếp công dân các
cấp ở nước ta được thiết lập một cách thống nhất, với tên gọi là Ban Tiếp công
dân, chấm dứt tình trạng “tự phát” các cơ quan tiếp công dân ở các địa phương.
Ban Tiếp công dân các cấp được thành lập để trực tiếp quản lý Trụ sở Tiếp công
dân ở mỗi cấp; phối hợp cùng đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức,
thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân. Ban Tiếp
công dân có nhiệm vụ giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện việc phản ánh,
kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật; phân loại, xử lý đơn
phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; thực hiện việc chuyển đơn phản ánh,
kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị có
thẩm quyền xử lý, trả lời về việc giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố
cáo mà Ban Tiếp công dân đã chuyển đến; tổng hợp tình hình, kết quả công tác
tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân; báo cáo định kỳ và đột xuất với cơ
quan, tổ chức có thẩm quyền.
Với chức năng, nhiệm vụ nêu
trên, có thể thấy Ban Tiếp công dân các cấp là cơ quan tương đối độc lập. Thực
hiện tốt trọng trách mà pháp luật giao, Ban Tiếp công dân các cấp có vai trò
quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân nói chung, giải quyết
khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nói riêng.
Thực tiễn cho thấy, mặc dù mô
hình tiếp công dân theo Luật Tiếp công dân có nhiều đổi mới và có hiệu quả rõ
rệt. Tuy nhiên, những kết quả mà sự đổi mới đó mang lại chưa được như mong
muốn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ những lý do sau:
– Một là, công tác tiếp công dân chưa được sự quan tâm thực sự của người
đứng đầu tại một số địa phương. Từ khâu bố trí nơi, địa điểm tiếp công dân,
trang bị cơ sở vất chất kỹ thuật phục vụ công tác tiếp công dân; đến việc bố
trí cán bộ thực sự có năng lực, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm công tác
tiếp công dân; cũng như trực tiếp tiếp công dân định kỳ theo quy định của pháp
luật tiếp công dân. Thực tế cho thấy, hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố
cáo nói chung, tiếp công dân nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu.
Ở nơi nào người đứng đầu cơ quan đơn vị quan tâm đến công tác này thì ở nơi đó
hiệu quả được nâng cao và ngược lại. Có lúc, có nơi việc tiếp công dân của
người đứng đầu còn nặng tính hình thức, hoặc “lười” tiếp công dân; bố trí cán
bộ không phải là công chức, hoặc là công chức nhưng chuyên môn không phù hợp
làm công tác tiếp công dân, công tác tham mưu trong giải quyết khiếu nại, tố
cáo. Điều này ảnh hưởng nhiều đến chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân,
giải quyết khiếu nại, tố cáo.
– Hai là, việc thực hiện quy định pháp luật về tổ chức Ban Tiếp công dân
không có sự thống nhất.
+ Về mô hình tổ chức,
chức năng, nhiệm vụ của Ban Tiếp công dân: Thực hiện Luật Tiếp công dân, các địa phương đều thành lập Ban
Tiếp công dân tỉnh trực thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ban Tiếp công
dân huyện trực thuộc Văn phòng Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Tuy nhiên, do không
có văn bản hướng dẫn cụ thể, nên mỗi địa phương có cách làm khác nhau. Phần lớn
Ban Tiếp công cấp tỉnh bao gồm Trưởng ban, Phó Trưởng ban Tiếp công dân và công
chức; một số tỉnh thành lập Ban Tiếp công dân với các phòng trực thuộc (như Ban
Tiếp công dân Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…); hoặc các bộ
phận trực thuộc (Quảng Ninh…). Số lượng, tên gọi của các phòng, bộ phận trực
thuộc Ban Tiếp công dân cũng có sự khác nhau giữa các tỉnh. Việc làm khác nhau
giữa các tỉnh trong việc xây dựng bộ máy cơ quan làm công tác tiếp công dân
được cọi là sự “tùy tiện”, hay thể hiện sự “quan tâm đặc biệt” của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với công tác tiếp công
dân? Điều này còn phụ thuộc vào chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử
lý đơn thư ở những địa phương này. Thực tiễn cho thấy các địa phương thành lập
Ban Tiếp công dân có mô hình gồm các phòng/bộ phận trực thuộc thể hiện sự quan
tâm của người đứng đầu; thể hiện sự “chuyên nghiệp” trong công tác; và chất
lượng, hiệu quả cũng tốt hơn. Vì thế, cần phải có sự đánh giá và luật hóa vấn
đề này.
Về chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn của Ban Tiếp công dân ở các tỉnh cũng có sự khác nhau. Ở một số tỉnh, Ban
Tiếp công dân thực hiện những công việc theo pháp luật tiếp công dân quy định
(như đã nêu trên). Nhưng một số tỉnh, ngoài thực hiện nhiệm vụ theo luật định,
Ban Tiếp công dân còn thực hiện công việc tham mưu trực tiếp cho Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (thụ lý, giao nhiệm vụ xác
minh, dự thảo quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố
cáo). Việc Ban Tiếp công dân thực hiện công việc tham mưu là một công việc
có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp công dân gắn với việc giải quyết. Làm cho
quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo được rút ngắn; chất lượng văn bản cũng
được nâng cao. Ưu điểm của mô hình này cũng cần được nghiên cứu,
đánh giá và luật hóa.
+ Về Trưởng ban Tiếp công dân: theo quy định của Luật Tiếp công dân, Trưởng ban Tiếp công dân
cấp tỉnh và cấp huyện do 01 Phó chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân phụ trách. Thực
tế, các địa phương (cấp tỉnh) thực hiện có khác nhau, chủ yếu theo hai
cách. Một là, bổ nhiệm Trưởng ban Tiếp công dân đối với Phó chánh Văn phòng Uỷ
ban nhân dân. Trong trường hợp này, phần lớn Trưởng ban Tiếp công dân chỉ mang
tính kiêm nhiệm, tượng trưng để phụ trách chung theo lĩnh vực được phân công và
ký các văn bản thừa lệnh Chủ tịch Uỷ ban nhân dân; và sẽ phân công 01 Phó
Trưởng ban đảm nhiệm các công việc của Ban Tiếp công dân. Cũng có tỉnh Trưởng
ban Tiếp công dân do Phó chánh Văn phòng thực hiện nhiệm vụ chuyên trách tiếp
công dân (nhưng rất ít). Thứ hai, bổ nhiệm Trưởng ban Tiếp công
dân nhưng không giữ chức Phó chánh Văn phòng (thường gọi là Trưởng ban trơn).
Trong trường hợp này, trên Trưởng ban Tiếp công dân vẫn do 01 lãnh đạo Văn
phòng Uỷ ban nhân dân phụ trách (Chánh Văn phòng hoặc Phó chánh Văn phòng Uỷ
ban nhân dân) để ký thừa lệnh Chủ tịch Uỷ ban nhân dân đối với những văn bản do
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân ký; phụ trách chung công tác tiếp công dân, giải quyết
khiếu tố; và tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân giải quyết các công việc
trong lĩnh vực này (Trưởng ban Tiếp công dân không tham mưu trực tiếp cho Chủ
tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, mà chỉ giúp việc cho lãnh đạo Văn phòng Uỷ ban nhân
dân trong lĩnh vực được phân công).
Mục đích của nhà làm luật khi
xây dựng Luật Tiếp công dân, quy định Trưởng ban Tiếp công dân do 01 Phó chánh
Văn phòng phụ trách với mong muốn giúp cho công tác tiếp công dân nói chung,
công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng có hiệu quả. Bởi việc Phó chánh
Văn phòng kiêm Trưởng ban Tiếp công dân sẽ làm cho công tác tham mưu, đề xuất
với người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo được tiến hành một cách
thuận lợi, nhanh chóng và kịp thời. Trưởng ban Tiếp công dân, Phó chánh Văn
phòng sẽ thay mặt Chủ tịch Uỷ ban nhân dân giải quyết các công việc thuộc phạm
vi trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (trong phạm vi cho phép). Do vậy,
chỉ có Phó chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân, Trưởng Ban Tiếp công dân làm chuyên
trách công tác tiếp công dân thì mới toàn tâm, toàn ý cho công việc; trường hợp
Phó chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân, Trưởng ban Tiếp công dân kiêm nhiệm thì
thời gian dành cho công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu tố sẽ ít, không sát
sao, thiếu chủ động, hiệu quả công việc không cao (vì còn phải kiêm nhiều công
việc khác), khi đó sẽ không đáp ứng được kỳ vọng của nhà làm luật đã đặt ra.
+ Về việc bố trí công chức tiếp công dân: cơ bản các địa phương đều thực hiện tốt, bố trí công chức làm
công tác tiếp công dân. Tuy nhiên, nhiều địa phương cấp huyện, công chức làm
công tác tiếp công dân phải kiêm nhiều công việc văn phòng khác, không có công
chức tiếp công dân chuyên trách mặc dù ở địa phương đó tình hình khiếu kiện, và
số lượng vụ việc, đơn thư tương đối nhiều. Một số địa phương còn phân công viên
chức làm công tác tiếp công dân, cá biệt có địa phương bố trí cán bộ hợp đồng
làm theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về việc thực
hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước,
đơn vị sự nghiệp thường trực tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư. Nguyên nhân là
do chỉ tiêu biên chế công chức bị hạn chế. Mặt khác, nó cũng thể hiện người
đứng đầu cơ quan chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác này.
– Ba là, sự hạn chế trong quy định của pháp luật hiện hành.
Theo quy định hiện hành, Ban
Tiếp công dân được thành lập để trực tiếp quản lý Trụ sở Tiếp công dân ở mỗi
cấp. Theo đó, Ban Tiếp công dân trung ương thay thế Vụ Tiếp dân và xử lý đơn
thư quy định tại Điều 3 của Nghị định số 83/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng
10 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Thanh tra Chính phủ. Ban Tiếp công dân trung ương thuộc Thanh tra
Chính phủ, chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý các Trụ sở Tiếp công dân ở trung
ương. Ban Tiếp công dân cấp tỉnh do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, trực
thuộc Văn phòng Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, do một Phó chánh Văn phòng phụ trách,
chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý Trụ sở Tiếp công dân cấp tỉnh. Ban Tiếp công
dân cấp huyện do Uỷ ban nhân dân cấp huyện thành lập, trực thuộc Văn phòng Hội
đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp huyện, do một Phó chánh Văn phòng phụ
trách, chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý Trụ sở Tiếp công dân cấp huyện.
Quy định trên cho thấy mô hình
cơ quan tiếp công dân không có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Thứ nhất, không thống nhất về cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thành
lập và cơ quan chủ quản. Ban Tiếp công dân Trung ương do Thanh tra Chính phủ
thành lập và trực thuộc Thanh tra Chính phủ; Ban Tiếp công dân cấp tỉnh, cấp
huyện do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thành lập, trực thuộc Văn phòng Uỷ
ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Thứ hai, có sự bất cập và không thống nhất trong quy định về người đứng
đầu của Ban Tiếp công dân. Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP
ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ thì Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương
tương đương Vụ trưởng, Phó Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương tương đương Phó
Vụ trưởng do Tổng Thanh tra Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Trưởng ban Tiếp
công dân cấp tỉnh do một Phó chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân phụ trách,
Phó Trưởng ban Tiếp công dân cấp tỉnh tương đương cấp Trưởng phòng. Trưởng ban,
Phó Trưởng ban Tiếp công dân cấp tỉnh do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh
bổ nhiệm, miễn nhiệm. Trưởng ban Tiếp công dân cấp huyện do một Phó chánh Văn
phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dânphụ trách. Trưởng ban Tiếp công
dân cấp huyện do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm.
Sự bất cập trong quy định “Trưởng ban Tiếp công dân cấp tỉnh và cấp huyện
do 01 Phó chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân phụ trách”. Quy định như vậy, cho phép ta hiểu Trưởng ban Tiếp công
dân cấp tỉnh, cấp huyện do 01 Phó chánh Văn phòng đảm nhận và chịu trách nhiệm
trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân về công tác tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý
đơn thư. Điều này có nghĩa là Trưởng ban Tiếp công dân có thể là chuyên trách
hoặc kiêm nhiệm. Trong trường hợp là kiêm nhiệm thì quy định như vậy là thừa.
Bởi dù pháp luật không quy định thì về mặt quản lý, Văn phòng Uỷ ban nhân dân
các cấp sẽ phân công 01 lãnh đạo Văn phòng (có thể là trực tiếp Chánh Văn
phòng, hoặc 01 Phó chánh Văn phòng) phụ trách công tác tiếp công dân, giải
quyết khiếu tố.
Sự bất cập trên dẫn đến các hệ lụy: (1) giữa Ban Tiếp công dân các
cấp không có mối quan hệ trực thuộc. Điều đó dẫn đến những khó khăn, vướng mắc
trên thực tế giữa các cơ quan này trong việc hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn,
xây dựng báo cáo, nắm bắt thông tin, đôn đốc, kiểm tra… hoạt động tiếp công
dân, xử lý đơn thư. (2) Ban Tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện không có chức năng
thực hiện việc thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn
thư đối với Uỷ ban nhân dân cấp dưới; không có chức năng quản lý nhà nước đối
với hoạt động tiếp công dân. Chức năng này vẫn do thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện
đảm nhận. Điều này dẫn đến những khó khăn trong việc phát hiện, nhắc nhở, xử lý
những hạn chế, sai phạm trong hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư của cấp
dưới trực tiếp. Vì thế, vai trò của Ban Tiếp công dân trở nên mờ nhạt.
2. Bàn về mô hình tiếp
công dân theo dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và một số đề xuất, kiến nghị
Dự thảo Luật
Thanh tra sửa đổi khoản 2, Điều 12 và Điều 13 Luật Tiếp công dân. Theo đó, Ban
Tiếp công dân cấp tỉnh sẽ trở về Thanh tra tỉnh. Ở cấp huyện, tại những huyện
không được thành lập tổ chức Thanh tra, Ban Tiếp công dân huyện thực hiện
nhiệm vụ tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Chủ
tịch Uỷ ban nhân dân huyện. Tại những huyện được thành lập Thanh tra
huyện, Thanh tra huyện thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân.
Theo quy định
trên, Ban Tiếp công dân Trung ương vẫn giữ nguyên như Luật Tiếp công dân năm
2013; Ban Tiếp công dân cấp tỉnh sẽ trực thuộc Thanh tra cấp tỉnh. Ban Tiếp
công dân cấp huyện chưa xác định rõ trực thuộc cơ quan nào?. Trường hợp những
huyện được phép thành lập cơ quan thanh tra, Ban Tiếp công dân huyện sẽ như thế
nào? Xóa bỏ hay trở về Thanh tra cấp huyện?. Trường hợp các huyện không được
phép thành lập Thanh tra cấp huyện, Ban Tiếp công dân vẫn trực thuộc Văn phòng
Hội đồng nhân dân – Uỷ ban nhân dân như cũ hay trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện?.
Trường hợp giữ nguyên như cũ nhưng thêm nhiệm vụ “tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm
quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện” thì Ban Tiếp công dân không thể đảm nhận được.
Bởi thực tiễn cho thấy, ở nhiều địa phương Ban Tiếp công dân cấp huyện trong
thời gian qua hoạt động không tốt, nay lại phải thực hiện nhiệm vụ tham mưu
trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo khó có thể đảm trách được nếu như không
được bố trí thêm biên chế và tổ chức lại. Trường hợp Ban Tiếp công dân cấp
huyện trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện, công việc tiếp công dân sẽ hiệu quả hơn,
bởi việc tiếp công dân sẽ gắn với việc giải quyết, tạo thành quy trình khép kín
trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, mô hình tiếp công dân lại không
có sự đồng bộ giữa các huyện với nhau, giữa cấp huyện với cấp với cấp tỉnh. Ban
Tiếp công dân cấp huyện sẽ chịu sự quản lý của cơ quan nào về chuyên môn, về
quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực. Đây là điểm bất cập cần được giải quyết.
Như vậy, việc
chuyển Ban Tiếp công dân trở lại cơ quan thanh tra theo Dự thảo Luật Thanh tra
sẽ cho phép cơ quan tiếp công dân được thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Song, đây cũng là điểm hạn chế bởi:
Thứ nhất, xóa bỏ sự nỗ lực và những thành quả đã đạt được
sau 10 năm thực hiện đổi mới công tác tiếp công dân (như đã phân tích ở trên).
Những hạn chế trong công tác tiếp công dân không phải hoàn toàn do quy định mà
chủ yếu ở sự chủ quan của chúng ta. Xin nhắc lại, công tác tiếp công dân nói
riêng, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ
quan của người đứng đầu cơ quan nhà nước. Do vậy, muốn nâng cao hiệu quả công
tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là phải xây dựng cơ chế để hạn
chế sự phụ thuộc vào ý chí chủ quan cá nhân. Xã hội càng phát triển, văn minh
thì công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo càng phải được coi
trọng và thực hiện một cách khách quan, minh bạch. Vì thể, có thể khẳng định
việc chuyển cơ quan tiếp công dân quay trở lại cơ quan thanh tra sẽ là cản trở
lớn đối với sự phát triển của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố
cáo.
Thứ hai, một trong những nguyên nhân dẫn đến đơn thư
khiếu kiện vượt cấp, bức xúc là do việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết ngay từ cơ
sở không được thực hiện tốt, trong đó phải kể đến cấp huyện. Thực tiễn cho
thấy, đơn thư khiếu nại, tố cáo phát sinh chủ yếu thuộc thẩm quyền giải quyết
của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc tiếp
công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp huyện tại nhiều địa phương chưa
được coi trọng; chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều hạn chế.
Trong khi đó, theo Dự thảo Luật Thanh tra, mô hình cơ quan tiếp công dân cấp
huyện không được rõ ràng, “nửa vời”. Khi đưa vào áp dụng chắc chắn sẽ gặp không
ít khó khăn, bất cập và chủ quan.
Từ những phấn
tích nêu trên, để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu
nại, tố cáo cần quy định thống nhất về mô hình
tổ chức cơ quan tiếp công dân, cụ thể như sau:
+ Trường hợp Ban Tiếp công dân trực thuộc Thanh
tra các cấp: Ban Tiếp công dân cấp tỉnh,
cấp huyện quay trở lại cơ quan thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện. Tại cấp huyện,
giữ nguyên thanh tra cấp huyện. Thanh tra cấp huyện thực hiện nhiệm vụ:
(1) tiếp công dân, xử lý đơn thư; (2) đôn đốc, theo dõi việc giải quyết
khiếu nại, tố cáo; (3) tham mưu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện
trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (thụ lý, thẩm tra, xác minh, dự thảo
văn bản giải quyết); (4) thanh tra, kiểm tra công tác tiếp công dân, giải quyết
khiếu nại, tố cáo đối với cấp xã. Các nhiệm vụ còn lại chuyển về thanh tra
tỉnh. Trưởng ban Tiếp công dân là Phó chánh Thanh tra chuyên trách. Như vậy, cơ
quan tiếp công dân được thống nhất từ trung ương tới địa phương. Tuy nhiên,
hiệu quả công việc sẽ không cao. Bởi như đã nói ở trên, việc cơ quan tiếp công
dân quay trở lại cơ quan thanh tra sẽ là sự cản trở lớn trong việc đổi mới,
nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
+ Trường hợp Ban Tiếp công dân trực thuộc Văn
phòng Uỷ ban nhân dân các cấp: Ban Tiếp công dân Trung ương chuyển sang trực thuộc Văn phòng
Chính phủ. Khi đó, Ban Tiếp công dân các cấp sẽ trực thuộc ngang đối với Văn
phòng các cấp (về mặt quản lý) và trực thuộc dọc đối với Thanh tra các cấp (về
mặt chuyên môn, nghiệp vụ). Trong trường hợp này, Ban Tiếp công dân cấp tỉnh,
cấp huyện cần bổ sung nhiệm vụ tham mưu trực tiếp cho Chủ tịch Uỷ ban nhân
dân cấp tỉnh, cấp huyện trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo: (1) thụ
lý, giao cơ quan chuyên môn thẩm tra, xác minh đề xuất biện pháp giải quyết;
(2) dự thảo quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo; (3) đôn
đốc, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo; (4) thanh tra, kiểm tra
trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phương án này có tính
khả thi, và hiệu quả hơn, bởi vì nó kế thừa những kết quả sau hơn 10 năm đổi
mới. Hơn nữa, nó gắn công tác tiếp công dân với công tác tham mưu, đề xuất Chủ
tịch Uỷ ban nhân dân trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy
nhiên, cần có quy định cụ thể về Trưởng ban Tiếp công dân theo hướng, “Trưởng ban Tiếp công dân là Phó chánh Văn phòng,
thực hiện nhiệm vụ chuyên trách”.
+ Trường hợp Ban Tiếp công dân trở thành cơ quan
thuộc ngành dọc độc lập, trực thuộc Thanh tra Chính phủ: Ban Tiếp công dân Trung ương tương đương Tổng cục, Ban Tiếp công
dân cấp tỉnh tương đương Cục, và Ban Tiếp công dân cấp huyện sẽ tương đương Chi
cục. Ban Tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện nhiệm vụ tham mưu trực
tiếp cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong giải
quyết khiếu nại, tố cáo: (1) thụ lý; (2) trực tiếp thực hiện việc thẩm tra, xác
minh đề xuất biện pháp giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo; (3) dự thảo quyết
định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo; (4) thanh tra, kiểm tra
công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; (5) đôn đốc, theo dõi
việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo; (6)
giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong việc quản lý
nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phương án này
khó có tính khả thi trong thời điểm hiện nay, nhưng nếu quyết tâm thì sẽ thực
hiện được, và hiệu quả sẽ cao hơn so với hai phương án nêu trên. Bởi, việc trao
cho Ban Tiếp công dân chức năng “giải quyết” cho phép khép kín và rút ngắn quy
trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; tránh chồng chéo, trùng lặp, kéo dài; đảm
bảo hiệu quả trong công tác xử lý, thụ lý đơn; nâng cao hiệu quả và hiệu lực
trong công tác rà soát, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo;
thực hiện nhiệm vụ có tính chuyên môn, nghiệp vụ cao; nó cũng giúp cho việc
quản lý công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được chặt chẽ./.
TS. Mai Văn Duẩn
Ban tiếp công dân tỉnh Bắc Ninh
Nguồn: http://issi.gov.vn
[1] Khoản 2 Điều 12 Luật Tiếp công dân số
42/2013/QH13 được sửa đổi như sau: “Ban tiếp công dân cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân
cấp tỉnh thành lập trực thuộc Thanh tra tỉnh, do một Phó chánh Thanh tra tỉnh
làm Trưởng Ban, chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý Trụ sở Tiếp công dân cấp
tỉnh” (Điểm b, Khoản 2, Điều 28 Dự
thảo).
[2] Khoản 2, Điều 13 Luật Tiếp công dân số
42/2013/QH13 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Tại những huyện không được thành lập Thanh tra
huyện theo quy định của Luật Thanh tra, Ban tiếp công dân huyện thực hiện nhiệm
vụ tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban
nhân dân huyện. Tại những huyện được thành lập Thanh tra huyện theo quy định
tại Điều 39 của Luật này, Thanh tra huyện thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân”. (Khoản 2 Điều 39 Dự thảo).
[3] Theo Thông tư liên tm vụ tham mưu giải
quyết khiếu nại, tố cáo cTheo Thông tư liên tm vụ tham mưuhưTheo Thông tư liên tm vụ tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo
thuộc thẩm Thanh tra, Ban tiếp công dân là các cơ䄂ۣ°ß䄂ۣß䄂ۣPß䄂
[4] Bộ phận tiếp công dân và chuyên viên Nội
chính là hai mắt xích trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiếp công
dân phụ trách công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn; đề xuất thụ lý đơn
thuộc thẩm quyền; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết và thông báo kết quả (gọi
chung là chức năng tiếp dân, xử lý đơn thư). Nội chính phụ trách việc tham mưu
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thụ lý đơn và giao cho Thủ trưởng cơ
quan chuyên môn tiến hành xác minh, kết luận và đề xuất biện pháp giải quyết;
kiểm tra, rà soát hồ sơ và đề xuất giải quyết của Thủ trưởng cơ quan chuyên môn
để trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định giải quyết
khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo; tham mưu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh
ban hành các văn bản khác liên quan đến khiếu nại, tố cáo và trả lời khiếu nại,
tố cáo (gọi chung là chức năng giải quyết). Giữa hai bộ phận này có mối quan hệ
mật thiết với nhau trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Một bộ phận
phụ trách khâu đầu, một bộ phận phụ trách khâu cuối của quá trình giải quyết,
hai bộ phận này cần có sự hỗ trợ và tương tác với nhau để cùng hoàn thành công
việc.
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn http://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)