Hiệp
định CPTPP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Ngày 9/3/2018,
11 quốc gia đã ký kết CPTPP tại Chi-lê, bao gồm: Ô-xtrây-li-a, Bru-nây, Chi-lê,
Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Ca-na-đa, Pê-ru, Xin-ga-po, Việt Nam và Nhật
Bản. Những nước và vùng lãnh thổ đang có ý định tham gia CPTPP gồm: Hàn Quốc,
Cô-lôm-bi-a, Cô-xta Ri-ca, In-đô-nê-xi-a, Đài Bắc Trung Hoa, Thái Lan…Tháng
12-2018, CPTPP chính thức có hiệu lực đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ
tục phê chuẩn là Mê-hi-cô, Nhật Bản, Xin-ga-po, Niu Di-lân, Ca-na-đa và
Ố-xtrây-li-a. Ngày 12-11-2018, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về
việc phê chuẩn CPTPP và các văn kiện có liên quan. Hiệp định có hiệu lực đối
với Việt Nam từ ngày 14-01-2019.
1.
Phạm vi mở cửa thị trường MSCP theo Hiệp định CPTPP
MSCP
được hiểu là khoản chi do một cơ quan nhà nước hoặc cơ quan do Nhà nước ủy
quyền thực hiện để nhằm mục đích của Chính phủ, do vậy, MSCP là một thị trường
mà người mua gắn liền với Nhà nước như cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.
Tại Chương 15 về MSCP của Hiệp định đưa ra các quy tắc, quy trình trong quá
trình lựa chọn nhà thầu, tuy nhiên, ở mức độ yêu cầu cao về tính công bằng,
công khai, minh bạch. Các nội dung chính của chương MSCP bao gồm: Không phân
biệt đối xử; không sử dụng các biện pháp ưu đãi hàng hóa hoặc nhà thầu trong
nước; và Biểu cam kết mở cửa thị trường MSCP quyết định phạm vi mở cửa của từng
nước. Bên cạnh đó, Chương này bao gồm cam kết về (1) các Gói thầu mua sắm Chính
phủ mở cửa cho các nhà thầu từ các nước CPTPP tham gia và (2) các quy định về
nghĩa vụ bắt buộc của Nhà nước và các chủ đầu tư/ bên mời thầu liên quan tới
thủ tục, quy trình và điều kiện bắt buộc phải tuân thủ trong quá trình tổ chức
lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ đã mở cửa đó. Phạm
vi các gói thầu thuộc diện điều chỉnh CPTPP xác định các gói thầu thuộc diện
điều chỉnh của CPTPP không theo nguồn gốc vốn sử dụng trong gói thầu (vốn có
phải từ Ngân sách Nhà nước hay không như đã được nhắc tới trong Khoản 1 và
Khoản 2 Điều 1 của Luật Đấu thầu 2013[1]) mà theo chủ thể mua sắm (đơn vị mua
sắm hàng hóa, dịch vụ), tính chất của việc mua sắm và loại hàng hóa, dịch vụ được
mua sắm. Cụ thể, các quy định trong Chương MSCP chỉ áp dụng đối với các gói
thầu hội tụ đủ các điều kiện sau[2]:
(i)
Không thuộc một trong các trường hợp Ngoại lệ sau:
–
Biện pháp cần thiết để bảo vệ đạo đức, trật tự, an toàn xã hội;
–
Biện pháp cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, động thực vật (bao
gồm cả các biện pháp môi trường nhằm mục đích này);
–
Liên quan tới hàng hóa, dịch vụ của người khuyết tật, của các tổ chức phi lợi
nhuận hoặc nhân đạo, hoặc của lao động tù nhân.
(ii)
Không phải là một trong các hoạt động sau:
–
Hoạt động mua hay thuê đất, các công trình hiện hữu hoặc bất động sản khác hay
các quyền liên quan;
–
Các khoản thu không mang tính hợp đồng hay bất kỳ hình thức hỗ trợ nào mà một
Nước thành viên, bao gồm cả cơ quan mua sắm của mình cung cấp, bao gồm các thoả
thu hợp tác, viện trợ không hoàn lại, các khoản vay, cấp vốn qua cổ phiếu, các
khoản bảo lãnh, trợ cấp, ưu đãi tài chính và thỏa thuận tài trợ;
–
Hoạt động mua dịch vụ lưu ký hoặc uỷ thác tài chính; dịch vụ thanh toán nợ và
quản lý đối với các tổ chức tín dụng; hoặc các dịch vụ liên quan đến bán, mua
lại và phân bổ nợ công, bao gồm các khoản vay và trái phiếu chính phủ, giấy tờ
có giá và các chứng khoán khác;
–
Các hợp đồng tuyển dụng trong khu vực công;
–
Các gói thầu:
+
Được thực hiện với mục đích cụ thể là hỗ trợ quốc tế, bao gồm cả viện trợ phát
triển;
+
Được tài trợ bởi một tổ chức quốc tế hay các khoản tài trợ, khoản vay hay hỗ
trợ khác của nước ngoài hoặc quốc tế có yêu cầu áp dụng các quy trình hoặc điều
kiện đấu thầu của tổ chức hay nhà tài trợ quốc tế đó. Trường hợp các quy trình
hoặc điều kiện đấu thầu của tổ chức hay nhà tài trợ quốc tế không hạn chế sự
tham dự của các nhà thầu, việc mua sắm đó phải tuân thủ theo Khoản 1 Điều 15.4
(các nguyên tắc chung); hoặc
+
Được thực hiện theo quy trình hay điều kiện cụ thể của một thoả thu quốc tế
liên quan đến việc đóng quân hoặc liên quan đến việc các Nước thành viên cùng
triển khai một dự án; và
–
Mua sắm hàng hoá hoặc dịch vụ bên ngoài lãnh thổ của Nước thành viên để tiêu
dùng bên ngoài lãnh thổ của Nước thành viên đó.
(iii)
Thuộc Danh mục các gói thầu (mua sắm) mà nước Thành viên CPTPP cam kết sẽ tuân
thủ CPTPP.
Mỗi
nước CPTPP đưa ra một Phụ lục riêng về các phạm vi mở cửa mua sắm công trong
CPTPP của mình, trong đó liệt kê cụ thể 03 nhóm điều kiện phải đáp ứng đủ:
–
Các Cơ quan mua sắm (chủ đầu tư, bên mời thầu) thuộc diện điều chỉnh của CPTPP
(Trung ương, địa phương);
–
Các loại hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ xây dựng) thuộc diện điều chỉnh;
–
Trị giá mua sắm tối thiểu của gói thầu (còn gọi là “ngưỡng giá gói thầu”).
Do
đó, một gói thầu chỉ thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP nếu đáp ứng đồng thời
cả 3 điều kiện về chủ thể, loại hàng hóa/dịch vụ mua sắm và ngưỡng giá gói thầu
nêu trong Phụ lục liên quan. Theo đó, có thể chia thành hai tiêu chí như sau:
Thứ
nhất, tiêu chí cơ bản được áp dụng là “ngưỡng mở cửa của gói thầu”.
Theo
đó, với gói thầu mua sắm hàng hóa của cơ quan mua sắm cấp trung ương (và có thể
bao gồm cả đơn vi trực thuộc), các cơ quan mua sắm cấp địa phương mà gói thầu
thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP là những gói thầu có giá trị bằng hoặc cao
hơn các ngưỡng quy định tuỳ theo tính chất của gói thầu tại Phụ lục 15-A (Quyền
rút vốn đặc biệt – Special Drawing Right – SDR[3]), bao gồm ngưỡng cho gói
thầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ nói chung, và ngưỡng cho mua sắm dịch vụ xây
dựng SDR. Như vậy, những gói thầu có giá dưới “ngưỡng trị giá mua sắm mở cửa”
tại Phụ lục 15-A sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP và do đó, không
cần tuân thủ các quy định của Hiệp định này.
Việt
Nam cam kết thực hiện đối với “ngưỡng trị giá mua sắm mở cửa” mới chỉ cho các
chủ thể mua sắm cấp Trung ương tổ chức lựa chọn nhà thầu theo CPTPP đối với các
gói thầu có giá trị bằng hoặc cao hơn các ngưỡng quy định tuỳ theo tính chất
của gói thầu tại Phụ lục 15-A, bao gồm ngưỡng cho gói thầu mua sắm hàng hóa,
dịch vụ nói chung và ngưỡng cho mua sắm dịch vụ xây dựng[4]. Cụ thể:
Các
cơ quan mua sắm cấp Trung ương được liệt kê trong Phần này tổ chức lựa chọn nhà
thầu theo Chương 15 về MSCP đối với các gói thầu có giá gói thầu bằng hoặc cao
hơn ngưỡng sau đây:
Một
là, đối với “Hàng hoá và Dịch vụ”:
–
Trong 5 năm đầu tiên kể từ khi Hiêp̣ điṇh có hiệu lực đối với Việt Nam:
2.000.000 SDR
–
Từ năm thứ 6 đến hết năm thứ 10: 1.500.000 SDR
–
Từ năm thứ 11 đến hết năm thứ 15: 1.000.000 SDR
–
Từ năm thứ 16 đến hết năm thứ 20: 260.000 SDR
–
Từ năm thứ 21 đến hết năm thứ 25: 190.000 SDR
–
Từ năm thứ 26 trở đi: 130.000 SDR
Một
là, đối với “Dịch vụ xây dựng”:
–
Trong 5 năm đầu tiên kể từ khi Hiêp̣ điṇh có hiệu lực đối với Việt Nam:
65.200.000 SDR;
–
Từ năm thứ 6 đến hết năm thứ 10: 32.600.000 SDR;
–
Từ năm thứ 11 đến hết năm thứ 15: 16.300.000 SDR;
–
Từ năm thứ 16 trở đi: 8.500.000 SDR.
Theo
Phụ lục H của Hiệp định CPTTP quy định “Công thức Điều chỉnh Ngưỡng” được
xác định như sau:
–
Ngưỡng mở cửa sẽ được điều chỉnh 2 năm môṭ lần với hiêụ lực của mỗi lần
điều chỉnh bắt đầu vào ngày 01 tháng Một. Lần điều chỉnh đầu tiên có
hiệu lực vào ngày 01 tháng Một của năm thứ ba sau ngày Hiệp định có hiệu lực.
–
Hai năm môṭ lần, Viêṭ Nam sẽ tính toán và công bố ngưỡng mở cửa tính
bằng Đồng Việt Nam theo Chương 15 về MSCP. Việc tính toán sẽ dưạ trên tỷ
giá do Quỹ Tiền tệ Quốc tế công bố hàng tháng trong dữ liệu “Thống kê
Tài chính Quốc tế”.
–
Tỷ giá là bình quân giá tri ̣hàng ngày của Đồng Viêṭ Nam tính theo
SDR trong khoảng thời gian 2 năm trước ngày 01 tháng Mười của năm trước
thời điểm ngưỡng điều chỉnh bắt đầu có hiêụ lưc̣.
–
Việt Nam có nghĩa vụ thông báo môṭ cách kịp̣ thời cho các nước thành
viên khác về ngưỡng mở cửa hiện tại tính bằng Đồng Viêṭ Nam ngay sau
khi Hiệp định này có hiệu lực đối với Viêṭ Nam cũng như các ngưỡng
điều chỉnh sau đó.
–
Việt Nam sẽ tiến hành tham vấn nếu có sự thay đổi lớn về tỷ giá của
Đồng Việt Nam so với SDR hoặc so với đồng tiền của một nước thành viên
khác làm phát sinh vấn đề nghiêm trong đối với việc áp dụng Chương 15 về
MSCP.
Thứ
hai, các tiêu chí khác trong “Bản chào mở cửa thị trường”
Ngoài
tiêu chí ngưỡng giá gói thầu nêu trên, việc xác định phạm vi điều chỉnh MSCP
trong Hiệp định CPTPP dựa trên một số yếu tố được quy định cụ thể trong Bản
chào mở cửa thị trường.
(i)
Chủ thể mua sắm: Trong Hiệp định CPTPP, chủ thể mua sắm là các cơ quan cấp
Trung ương (Bộ, ngành), cơ quan cấp địa phương (các bang hoặc các tỉnh/ thành
phố) và các cơ quan khác (đơn vị tự chủ, doanh nghiệp nhà nước) được liệt kê
trong Bản chào mở cửa thị trường.
Việt
Nam cam kết thực hiện mở cửa đối với Chủ thể mua sắm là “chủ đầu tư”, hay chính
là “bên mời thầu” tại Phụ lục 15-A, bao gồm các đơn vị được liệt kê trong bản
chào là 21 cơ quan cấp Trung ương, không cam kết với các cơ quan thuộc Quốc
hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án tối cao, Viện Kiểm sát tối cao. Đối với
các Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng, Việt Nam chỉ cam kết mở cửa các gói
mua sắm một số loại hàng hóa, dịch vụ nhất định. Việt Nam cũng cam kết mở cửa
đấu thầu của 38 đơn vị sự nghiệp, bao gồm các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, Viện Hàn
lâm Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên, Học viện Chính trị Hành
chính quốc gia Hồ Chí Minh, Thông tấn xã Việt Nam…
(ii)
Đối tượng mua sắm: Để thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP, các gói
thầu trước hết phải do các cơ quan mua sắm nêu ở mục (i) thực hiện. Ngoài ra,
các gói thầu đó phải mua sắm các loại hàng hóa, dịch vụ hay dịch vụ xây lắp
được liệt kê cụ thể trong Bản chào mở cửa thị trường.
Việt
Nam cam kết thực hiện mở cửa đối với đối tượng mua sắm là hàng hóa, dịch vụ,
lĩnh vực xây dựng cần mua thuộc phạm vi mở cửa, Việt Nam chỉ bảo lưu những nội
dung cần thiết, ví dụ bảo lưu việc mua xăng dầu, một phần thị trường thuốc, lúa
gạo, sách báo v.v… Phần dịch vụ chỉ liệt kê các loại dịch vụ mở cửa cho nhà
thầu của các nước CPTPP tham gia đấu thầu. Việt Nam cũng cam kết mở cửa đấu
thầu các gói thầu dược phẩm, tuy nhiên, lộ trình mở cửa khá dài, 15 năm sau khi
hiệp định có hiệu lực, Việt Nam mới mở cửa đến 50% tổng giá trị hợp đồng đối
với các gói thầu thuộc diện điều chỉnh. Các loại thuốc mà Việt Nam phải ưu tiên
cho phép đấu thầu theo thứ tự: Thuốc generic thuộc Nhóm 1, thuốc generic thuộc
Nhóm 2, thuốc generic thuộc Nhóm 3, thuốc generic thuộc Nhóm 4, thuốc generic
thuộc Nhóm 5, cho tới khi mua đủ thuốc theo tỷ lệ phần trăm mở cửa cho
năm đó
(iii)
Không thuộc các trường hợp ngoại lệ (được loại trừ): một số thành viên trong
CPTPP có những ngoại lệ đặc biệt tùy theo mức độ nhạy cảm riêng của từng thành
viên. Do vậy, trong quá trình đàm phán, các nước này đã đề xuất và đàm phán
thành công các gói thầu trong lĩnh vực nhạy cảm đó.
Việt
Nam được loại trừ các gói thầu xây dựng nghĩa trang liệt sỹ, loại trừ mua xăng
dầu ở phần hàng hóa, dịch vụ, loại trừ việc mua sắm ở trong nước để tiêu dùng
ngoài lãnh thổ, loại trừ các gói thầu mua sắm dự trữ quốc gia, mua sắm nhằm
phục vụ mục đích tăng cường sức khỏe, phúc lợi, sự phát triển kinh tế, xã hội
của dân tộc thiểu số, gói thầu dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, các gói thầu
vì lý do an ninh, quốc phòng.
Bên
cạnh đó, Hiệp định CPTPP cho phép các nước đang phát triển được phép áp dụng
một số biện pháp trong thời kỳ chuyển đổi.
Việt
Nam trong vòng 05 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực sẽ không chịu
sự điều chỉnh của cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan tới các
nghĩa vụ của mình theo Chương MSCP. Trong thời gian này, Việt Nam chỉ
tham vấn với nước CPTPP có ý kiến quan ngại về việc thực thi nghĩa vụ
của Việt Nam.
Việt
Nam được phép yêu cầu, xem xét, áp dụng hoặc thực hiện bất kỳ hình
thức ưu đãi trong nước trong bất kỳ giai đoạn nào của quy trình lựa
chọn nhà thầu trong 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, kể cả
cơ chế ưu đãi về giá, ở mức tối đa 40% tổng giá hợp đồng các gói
thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của từng năm; tỷ lệ này giảm xuống
mức tối đa 30% kể từ năm thứ 11 cho đến hết năm thứ 25. Biện pháp ưu
đãi nội địa sẽ được loại bỏ từ năm thứ 26 kể từ khi Hiệp định có
hiệu lực đối với Việt Nam.
2.
Vai trò của thanh tra trong thực hiện mở cửa thị trường MSCP của Việt Nam tại
Phụ lục 15-A của Hiệp định CPTPP
Để
thực hiện MSCP hay còn gọi mua sắm công thuộc phạm vi mở cửa thị trường MSCP
tại Phụ lục 15-A của Hiệp định CPTPP sẽ đặt ra cho Việt Nam trước nhiều thách
thức về mặt pháp lý. Việt Nam không áp dụng trực tiếp Hiệp định CPTPP nên sẽ có
những khó khăn trong việc chuyển hóa các quy định của Hiệp định này vào hệ
thống pháp luật trong nước. Theo quy định của Điều 6.2 Luật Điều ước quốc tế
năm 2016, để chuyển hóa các quy định của Điều ước quốc tế, Việt Nam sẽ phải
tiến hành một trong các công việc: sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật
hiện có; bãi bỏ quy định hoặc văn bản quy phạm pháp luật hiện có; ban hành văn
bản quy phạm pháp luật mới. Như vậy, Việt Nam sẽ phải rà soát, sửa đổi rất nhiều
những luật liên quan tới các quy định của Hiệp định CPTPP, cụ thể gồm: Luật Đầu
tư công, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách Nhà nước,… Do đó, cải cách thể chế cũng
là yêu cầu bắt buộc khi Việt Nam chấp nhận tham gia vào một sân chơi chung như
CPTPP. Thúc đẩy minh bạch hóa các cơ chế quản lý nhà nước nói chung, trong đó
có mua sắm công góp phần hoàn thiện môi trường thể chế, minh bạch hóa chính
sách đặc biệt là trong thị trường mua sắm công, đấu thầu của Chính phủ.
Để
thực hiện yêu cầu này không thể không nhắc đến vai trò của thanh tra trong quản
lý nhà nước, trong đó có MSCP. Điều đó được thể hiện ngay tại Điều 2 Luật Thanh
tra năm 2010: “Mục đích hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế
quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền
biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật;
giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy
nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước;
bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá
nhân”. Tuy nhiên, vấn đề minh bạch trong các quy định pháp luật về mua sắm công
và hoạt động doanh nghiệp nhà nước vẫn còn rất nhiều tồn tại. Vì vậy, hoạt động
thanh tra về lĩnh vực đầu tư công, về quản lý và sử dụng tài sản, ngân sách nhà
nước trong gia đoạn hiện nay cần phải chú trọng thường xuyên nhằm phát hiện sơ
hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật về MSCP để kiến nghị với cơ quan
nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế góp phần hoàn thiện
môi trường thể chế, minh bạch hóa chính sách mua sắm công, đấu thầu của Chính
phủ. Để thực hiện yêu cầu này, trước hết hoạt động thanh tra cần phải cần có
nhiều kiến nghị khác nhau, như: thực hiện hiệu quả mô hình Chính phủ điện tử,
thực hiện quy trình đấu thầu qua mạng rõ ràng, minh bạch để nâng cao hiệu quả
và giảm thiểu các trường hợp tiêu cực trong quản lý nhà nước nói chung và mua
sắm công nói riêng. Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra cần đánh giá chính sách
mua sắm công, pháp luật đấu thầu và có những kiến nghị hoàn thiện pháp luật về
MSCP ở Việt Nam đảm bảo các yêu cầu sau:
–
Thể chế hóa đầy đủ nguyên tắc đối xử quốc gia và không phân biệt đối xử trong
MSCP. Cụ thể, cơ quan mua sắm có nghĩa vụ đối xử bình đẳng giữa hàng hóa, dịch
vụ và nhà thầu của các nước thành viên Hiệp định CPTPP (gọi là thành viên) với
hàng hóa, dịch vụ và nhà thầu trong nước. Hay nói cách khác, theo Chương 15 của
CPTPP, Việt Nam mở cửa thị trường MSCP với 10 nước thành viên. Thực hiện cam
kết này, Việt Nam sẽ phải tổ chức lựa chọn nhà thầu trong khối các nền kinh tế
tham gia CPTPP (đấu thầu nội khối) hoặc đấu thầu quốc tế cho phép các nước
CPTPP tham dự thầu.
–
Thể chế hóa đầy đủ nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa hàng hóa, dịch vụ và nhà
thầu của các nước thành viên với nhau; đối xử bình đẳng giữa nhà thầu trong
nước với nhà thầu trong nước khác có vốn sở hữu hoặc phụ thuộc về mặt tổ chức
với nước ngoài; đối xử bình đẳng giữa nhà thầu cung cấp, hàng hóa dịch vụ trong
nước với nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ từ một thành viên khác.
–
Rà soát các quy định pháp luật về “tư cách hợp lệ của nhà thầu” nhằm đảm bảo
cho nhà nhà thầu quan tâm đến từ các quốc gia thành viên tham dự.
–
Hoàn thiện cơ chế cạnh tranh trong đấu thầu và đảm bảo năng lực cạnh tranh của
nhà thầu trong nước…
Tóm
lại, thực hiện quy định MSCP trong CPTPP sẽ giúp Việt Nam tăng cường công khai,
minh bạch hơn đối với hoạt động mua sắm công, nhiều lựa chọn cho chủ đầu tư và
tăng cường chất lượng cho công trình, cũng như thu hút được đầu tư tư nhân;
nâng cao năng lực cạnh tranh của nhà thầu trong nước…Về những thuận lợi thì rõ
ràng việc đấu thầu sẽ thuận lợi hơn, minh bạch hơn, nhiều lựa chọn cho chủ đầu
tư và tăng cường chất lượng cho công trình, cũng như thu hút được đầu tư tư
nhân. Vì vậy, vai trò của thanh tra có ý nghĩa quan trọng trong phát hiện
những bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật về mua sắm công để kiến nghị
với các các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm nội luật hóa các cam kết của
CPTPP một cách đầy đủ trong hệ thống pháp luật Việt Nam./.
TS. Trần Thị Thúy
GV Khoa Quản lí Nhà nước và
Phòng, chống tham nhũng
[1] Khoản 1 và Khoản 2 Điều
1 của Luật Đấu thầu 2013:
1. Lựa chọn nhà thầu cung
cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp đối với:
a) Dự án đầu tư phát triển
sử dụng vốn nhà nước của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị
– xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp,
tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công
lập;
b) Dự án đầu tư phát triển
của doanh nghiệp nhà nước;
c) Dự án đầu tư phát triển
không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này có sử dụng vốn nhà nước,
vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ
đồng trong tổng mức đầu tư của dự án;
d) Mua sắm sử dụng vốn nhà
nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính
trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ
chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân
dân, đơn vị sự nghiệp công lập;
đ) Mua sắm sử dụng vốn nhà
nước nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công;
e) Mua hàng dự trữ quốc gia
sử dụng vốn nhà nước;
g) Mua thuốc, vật tư y tế
sử dụng vốn nhà nước; nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh,
chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập;
2. Lựa chọn nhà thầu thực
hiện cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa trên lãnh thổ Việt
Nam để thực hiện dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam
mà dự án đó sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ
đồng trong tổng mức đầu tư của dự án;
[2] Tóm tắt Chương 15 – Mua
sắm Chính phủ của Hiệp định CPTPP xem http://www.trungtamwto.vn/
[3] SDR: Là tiền quy ước mà
các nước thành viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế nắm giữ trong dự trữ quốc tế của
họ, mỗi 1 SDR tương đương khoảng 2 triệu đồng.
[4] Phụ lục 15-A bản
chào của Viêṭ Nam tại Chương 15 của Hiệp định CPTTP xem
http://www.trungtamwto.vn/
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)