Xác minh tài sản, thu nhập là một khâu quan trọng trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập. Thông qua việc xác minh kết nối thông tin từ các chế định quản lý về tài sản của nhà nước, từ sự giám sát của xã hội để đánh giá, kết luận về sự phù hợp với pháp luật đối với quá trình hình thành, sử dụng, chuyển giao tài sản của cá nhân, về sự trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Để làm rõ được tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai và tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm thì Tổ xác minh sẽ phải tiến hành rất nhiều hoạt động nghiệp vụ như yêu cầu người được xác minh báo cáo, giải trình, cung cấp thông tin, tài liệu; làm việc với người được xác minh, các cá nhân, tổ chức liên quan để thu thập tài liệu, bằng chứng và trên cơ sở đó phân tích, đánh giá, nhận định. Thậm chí, đối với những trường hợp phức tạp, có thể còn phải xác minh trực tiếp tại những nơi có tài sản hoặc phải trưng cầu các cơ quan chức năng giám định, định giá, thẩm định giá đối với tài sản mới có thể kết luận được. Do đó, ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc, thẩm quyền và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định, Tổ xác minh cần xây dựng một quy trình nghiệp vụ tiến hành xác minh tài sản, thu nhập gồm:
Bước 1: Chuẩn bị xác minh tài sản thu nhập
Thứ nhất:Ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập và thành lập Tổ xác minh tài sản, thu nhập
Người đứng đầu cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ xác minh quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 41 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền), hoặc 15 ngày kể từ ngày có căn cứ xác minh khác (quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 41 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018).
Việc quy định thời hạn ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập chỉ trong vòng 05 ngày khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền là phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, đảm bảo sự phối hợp giữa công tác kiểm soát tài sản, thu nhập, với công tác tổ chức cán bộ, công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, tố tụng, đấu tranh phòng chống tội phạm v.v…
Thứ hai:Lập kế hoạch tiến hành xác minh tài sản, thu nhập
– Căn cứ Quyết định xác minh tài sản, thu nhập là một văn bản có giá trị pháp lý, là căn cứ để chỉ đạo tiến hành xác minh. Kế hoạch tiến hành xác minh tài sản, thu nhập thể hiện phương án để Tổ xác minh triển khai lực lượng thực hiện quyết định.
– Nội dung Kế hoạch tiến hành xác minh gồm: Xác định mục tiêu xác minh, phạm vi, nội dung nhiệm vụ xác minh, lực lượng và dự kiến phân công nhiệm vụ, các bước tổ chức và tiến độ thực hiện, chế độ báo cáo, dự trù phương tiện, tài chính phục vụ xác minh.
Muốn tiến hành xác minh được thuận lợi, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, đòi hỏi kế hoạch xác minh phải đảm bảo những vấn đề sau:
Một là, nghiên cứu, xác định kỹ nội dung, phạm vi của quyết định xác minh, không được tự ý mở rộng nội dung xác minh.
Hai là, tổng hợp, phân tích tài liệu hiện có bao gồm các Bản kê khai tài sản, thu nhập, kết quả phân tích, đánh giá theo dõi biến động tài sản, thu nhập trong cơ sở dữ liệu, tài liệu tố cáo (nếu có), văn bản yêu cầu xác minh, giải trình của người được xác minh theo yêu cầu của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Trên cơ sở nghiên cứu, lập báo cáo kết quả nghiên cứu ban đầu bao gồm những nội dung đã rõ, những nội dung cần xác minh. Báo cáo kết quả nghiên cứu ban đầu lập cho từng người được xác minh…
Ba là, Tổ xác minh tổ chức họp trên tinh thần dân chủ, đoàn kết, thống nhất, nếu còn nhiều các vấn đề chưa thống nhất mà trong Tổ không tự giải quyết được hoặc không đủ thẩm quyền thì báo cáo người ra quyết định xác minh xem xét, giải quyết.
Bốn là, kế hoạch xác minh luôn đề cao tính khả thi, tính trọng tâm, trọng điểm, tính phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Để có tính thực tế và khả thi, nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể phải được xây dựng dựa trên những căn cứ pháp lý, khoa học, những yêu cầu khách quan và có tính phù hợp với điều kiện thực tế, không ôm đồm những nhiệm vụ, mục tiêu không cần thiết làm lãng phí nguồn lực. Không nên lồng ý chí chủ quan, duy ý chí vì dễ làm cho kế hoạch xác minh trở nên phức tạp, xa vời, không có tính khả thi, không phù hợp với điều kiện tổ chức thực hiện.
Trên cơ sở những nội dung cần xác minh dự kiến các công việc, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan, cùng các trình tự, thủ tục tương ứng trong xác minh. Tổ trưởng Tổ xác minh có nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch tiến hành xác minh để Thủ trưởng cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phê duyệt. Sau khi Kế hoạch tiến hành xác minh được phê duyệt, Tổ trưởng Tổ xác minh tổ chức họp để các thành viên nhận thức đầy đủ về mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian, các đối tượng có liên quan; Phân công nhiệm cụ thể cho từng thành viên, đề ra tiến độ và chế độ báo cáo cũng như việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương khi tiến hành xác minh.
Bước 2: Tiến hành xác minh tài sản, thu nhập
Thứ nhất: Công bố quyết định xác minh tài sản, thu nhập
Theo quy định, Quyết định xác minh tài sản, thu nhập phải được gửi cho Tổ trưởng, các thành viên Tổ xác minh, người được xác minh và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định xác minh.
Tổ trưởng Tổ xác minh phải tổ chức cuộc họp thông báo về quyết định xác minh đối với người được xác minh. Cuộc họp gồm thành phần Tổ xác minh và người được xác minh, đại diện cơ quan quản lý người được xác minh. Tổ trưởng Tổ xác minh cần chuẩn bị về tài liệu, nội dung, chương trình cuộc họp.
Thứ hai: Yêu cầu người được xác minh giải trình tài sản, thu nhập
Theo Điều 47 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, người được xác minh tài sản, thu nhập có quyền và nghĩa vụ giải trình về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.
Trong quá trình xác minh tài sản, thu nhập, nếu như phát hiện những nghi vấn trong quá trình kê khai tài sản, cơ quan xác minh tài sản, thu nhập có quyển yêu cầu người kê khai phải giải trình. Tổ xác minh cần nghiên cứu kỹ các tài liệu đã có nhằm xác định cụ thể các nội dung cần giải trình. Xác định đầy đủ, rõ ràng, sự cần thiết các nội dung yêu cầu giải trình giúp cho quá trình xác minh tập trung, hiệu quả. Nội dung yêu cầu giải trình cần tập trung vào các nội dung về quá trình kê khai, quá trình biển động của tài sản và hình thành tài sản tăng thêm để chứng minh về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm trong thời kỳ xác minh.
Thứ ba: Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ xác minh tài sản, thu nhập
Khi tiến hành xác minh tài sản, thu nhập, Tổ xác minh phải sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để tổng hợp, nghiên cứu, phân tích, đối chiếu hồ sơ, tài liệu làm cơ sở xem xét, đánh giá nội dung cần xác minh. Tuy nhiên, việc xác minh tài sản, thu nhập của một cá nhân hết sức phức tạp, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân. Do vậy, ngoài việc yêu cầu Người được xác minh giải trình, Tổ xác minh cũng cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng có liên quan như tổ chức tín dụng, ngân hàng, cơ quan công an, cơ quan quản lý thuê, cơ quan hải quan, cơ quan quản lý về đất đai, đăng ký tài sản.. hay bất cứ cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác có liên quan để làm rõ thông tin về tài sản, thu nhập của Người được xác minh trong từng lĩnh vực cụ thể (tiền gửi ngân hàng, cổ phiếu, trái phiếu, tài sản phải đăng kí quyền sở hữu như đất đai, xe ô tô,…).
Các biện pháp nghiệp vụ xác minh tài sản, thu nhập bao gồm:Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung xác minh; Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền định giá, thẩm định giá, giám định tài sản, thu nhập; Kiến nghị áp dụng biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại, chuyển dịch tài sản, thu nhập hoặc hành vi khác cản trở hoạt động xác minh tài sản, thu nhập
Thứ tư: Báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định: trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày ra quyết định xác minh, Tổ trưởng Tổ xác minh tài sản, thu nhập phải báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập bằng văn bản cho người ra quyết định xác minh; trường hợp phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 90 ngày.
Báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập bao gồm các nội dung sau đây:
– Nội dung được xác minh, hoạt động xác minh đã được tiến hành và kết quả xác minh;
– Đánh giá về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai; tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm;
– Kiến nghị xử lý vi phạm quy định của pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Kết thúc thời gian xác minh, Tổ trưởng Tổ xác minh tập hợp, hệ thống hóa các tài liệu, báo cáo kết quả xác minh của các thành viên và các tài liệu khác có liên quan về hoạt động xác minh và kết quả nội dung được xác minh.
Bước 3: Kết thúc xác minh tài sản, thu nhập
Thứ nhất: Kết luận xác minh tài sản, thu nhập
Theo quy định, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được Báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập, Người ra quyết định xác minh phải ban hành Kết luận xác minh tài sản, thu nhập; trường hợp phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 20 ngày.
Kết luận xác minh tài sản, thu nhập bao gồm các nội dung sau đây: Tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của việc kê khai tài sản, thu nhập; Tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm; Kiến nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định của pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Căn cứ báo cáo kết quả xác minh, ý kiến chỉ đạo của người ra quyết định xác minh Tổ trưởng Tổ xác minh giúp người ra quyết định xác minh dự thảo nội dung Kết luận xác minh tài sản, thu nhập.
Thứ hai: Gửi và công khai kết luận xác minh tài sản, thu nhập
Kết luận xác minh tài sản, thu nhập phải được gửi cho người được xác minh và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân yêu cầu, kiến nghị xác minh theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Người được xác minh có quyền khiếu nại Kết luận xác minh tài sản, thu nhập khi có căn cứ cho rằng Kết luận là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mìnhtheo Điều 47 của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh tài sản, thu nhập, người ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập có trách nhiệm công khai Kết luận xác minh.
Việc công khai Kết luận xác minh tài sản, thu nhập được thực hiện như việc công khai bản kê khai quy định tại Điều 39 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Điều 11, 12,13 Nghị định 130/2020/NĐ-CP.
Thứ ba: Lập, bàn giao, quản lý, sử dụng hồ sơ xác minh tài sản, thu nhập
Trong quá trình xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, Tổ xác minh tài sản, thu nhập, và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm lập, bàn giao, quản lý, sử dụng hồ sơ xác minh tài sản, thu nhập theo đúng qui định pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập, pháp luật về văn thư, lưu trữ nhà nước.
Hồ sơ xác minh tài sản, thu nhập phải được quản lí chặt chẽ, chỉ được công khai theo qui định của pháp luật, để đảm bảo tính bí mật của quá trình xác minh tài sản, thu nhập, cũng như bảo vệ quyền riêng tư cho người được xác minh tài sản, thu nhập./.
Thạc sĩ Nguyễn Viết Thạch
TTVCC, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)