Ngày 5/7, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị giao ban thanh tra các Bộ, ngành 6 tháng đầu năm 2017 dưới sự chủ trì của Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn. Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ và đại diện lãnh đạo Thanh tra các Bộ, ngành.
Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch, Tài chính và Tổng hợp (Thanh tra Chính phủ), trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 3.277 cuộc thanh tra hành chính và 98.098 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 130.665,7 tỷ đồng, 4.882 ha đất; kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước 110.952 tỷ đồng và 49.782 ha đất; đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý 6.232 tỷ đồng và 3.018 ha đất; xử lý tài sản vi phạm với số tiền 6.495 tỷ đồng; xử phạt hành chính 8.473 tỷ đồng; đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 698 tập thể, 10 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 34 vụ, 80 đối tượng. Đồng thời, đã triển khai 479 cuộc thanh tra trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, tiếp công dân,thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tại 900 đơn vị, kiến nghị xử lý hành chính 172 tổ chức, 310 cá nhân.
Công tác giám sát, thẩm định và xử lý về thanh tra luôn được chú trọng. Toàn ngành đã đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 1.806 kết luận, quyết định xử lý về thanh tra, thu hồi và xử lý khác 307 tỷ đồng, 205 ha đất; xử lý hành chính 233 tổ chức, 526 cá nhân; khởi tố 7 vụ, 18 đối tượng.
Các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 169.345 lượt công dân với 118.882 vụ việc; có 2.524 đoàn đông người; đã xử lý 85.843 đơn đủ điều kiện xử lý trong tổng số 140.603 đơn đã tiếp nhận; có 29.552 đơn khiếu nại, đơn tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan; đã giải quyết 10.219/13.951 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
Toàn cảnh Hội nghị giao ban
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, qua kiểm tra nội bộ phát hiện 7 vụ, 8 đối tượng; qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 21 vụ, 22 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về, chống tham nhũng, lãng phí. Để thực hiện phòng ngừa tham nhũng, ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tập trung vào công khai, minh bạch trong hoạt động cơ quan, tổ chức, đơn vị; minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức;…
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Thanh tra các Bộ, ngành cũng đưa ra những ý kiến, thảo luận nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình công tác. Trong đó, tập trung vào các vấn đề như xây dựng kế hoạch thanh tra để tránh chồng chéo; phối hợp giữa Thanh tra và Kiểm toán để thực hiện tốt và có hiệu quả chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó là những ý kiến về việc kê khai tài sản, cơ chế kiểm soát việc kê khai tài sản và thu nhập của công chức, viên chức hay việc xác minh thông tin của các đơn thư nặc danh để tránh tình trạng bỏ sót thông tin…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Thanh tra Chính phủ cũng như Thanh tra các Bộ, ngành đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2017. Về cơ bản, ngành Thanh tra đã triển khai nhiệm vụ đảm bảo đúng kế hoạch, công tác đôn đốc và xử lý sau thanh tra đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận với tỷ lệ thu hồi và xử lý sau thanh tra đạt 100%. Riêng về công tác tiếp công dân, Tổng Thanh tra nhận định, số vụ việc khiếu nại, tố cáo có giảm, nhưng số vụ đông người khiếu kiện gay gắt, phức tạp lại tăng, phổ biển nhiều nhất ở lĩnh vực đất đai.
Đối với việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra, gây phiền hà cho doanh nghiệp, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho rằng việc này xuất phát từ luật pháp về kiểm toán và thanh tra chưa quy định rõ, dẫn tới trùng lắp. Tới đây, Thanh tra Chính phủ sẽ cùng Kiểm toán Nhà nước tổ chức sơ kết công tác phối hợp để cùng tháo gỡ chuyện này.
Về phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu yêu cầu các cục, vụ thuộc Thanh tra Chính phủ và Thanh tra các Bộ, ngành tiếp tục triển khai thanh tra theo kế hoạch năm gắn với thanh tra đột xuất, thanh tra vụ việc do Thủ tướng Chính phủ giao; tập trung ban hành kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc; đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định kết quả thanh tra, bảo đảm các cuộc thanh tra có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; thực hiện công khai kết luận thanh tra; tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý về thanh tra gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra.
Đồng thời, kiểm tra việc xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2017; phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan xây dựng Định hướng công tác thanh tra năm 2018 theo tinh thần Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm đánh giá hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước; việc ban hành cơ chế, chính sách của các bộ, ngành Trung ương nhằm phát hiện những sơ hở, bất cập để kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục đồng thời chủ động hướng dẫn các cơ quan thanh tra xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2018, bảo đảm kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, hạn chế chồng chéo
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu phát biểu tại Hội nghị
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kịp thời hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ trong đó coi trọng và nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức và thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước. Kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, tồn tại và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm trong việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nâng cao chất lượng và tỉ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền mới phát sinh.
Phối hợp xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc đông người, vượt cấp, tăng cường kỷ cương, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo cũng như các trường hợp kích động, lôi kéo công dân khiếu kiện đông người hoặc lợi dụng khiếu kiện để gây rối. Đặc biệt, cần phát hiện mô hình và cách làm hay trong tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiếp tục triển khai thực hiện các kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị; thực hiện đánh giá tình hình tham nhũng và kết quả công tác PCTN theo Thông tư số 04/2014/TT-TTCP ngày 18/9/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định tiêu chí nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng. Thanh tra Chính phủ cũng đang tham mưu giúp Chính phủ xây dựng báo cáo công tác khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng năm 2017 trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 4./.
HT (Nguồn: http://thanhtravietnam.vn)
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn http://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)