Trường Cán bộ Thanh tra (TCBTT) lần đầu tiên ban hành “Quy chế quản lý khoa học của TCBTT” kèm theo Quyết định số 113/QĐ-TCBTT ngày 31 tháng 3 năm 2015. Từ năm 2015 đến nay, công tác quản lý khoa học của TCBTT đã đi vào nề nếp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường. Kết quả nghiên cứu của nhiều đề tài, chuyên đề khoa học đã có giá trị trong xây dựng giáo án, bài giảng của các khoa, giảng viên cũng như phát triển công tác chuyên môn của các phòng, ban trong toàn Trường; là nguồn tư liệu quan trọng phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Thanh tra. Ngày 29 tháng 5 năm 2023, Hiệu trưởng TCBTT đã ban hành “Quy chế quản lý hoạt động khoa học của TCBTT” kèm theo Quyết định số 280/QĐ-TCBTT (Quy chế năm 2023) thay thế cho “Quy chế quản lý khoa học của TCBTT” kèm theo Quyết định 562/QĐ-TCBTT ngày 09/10/2019 (Quy chế năm 2019). Như vậy, qua 8 năm thực hiện, Quy chế quản lý khoa học của TCBTT đã được sửa đổi, bổ sung 04 lần cho phù hợp với quy định và tình hình mới.
1. Sự cần thiết ban hành Quy chế quản lý hoạt động khoa học năm 2023 của Trường Cán bộ Thanh tra
Thực hiện Quy chế quản lý khoa học của TCBTT ban hành theo quyết định số 562/QĐ-TCBTT ngày 09 tháng 10 năm 2019 của Hiệu trưởng TCBTT, từ năm 2019 đến nay, công tác quản lý khoa học của TCBTT đã đi vào nề nếp; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào các lĩnh vực công tác ngành thanh tra nói chung và công tác đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường nói riêng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Quy chế năm 2019 đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc do một số nội dung của Quy chế năm 2019 không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động nghiên cứu và quản lý khoa học của Nhà trường trong giai đoạn hiện nay, cụ thể là:
Thứ nhất, năm 2021 lần đầu tiên Nhà trường đưa hoạt động xây dựng, trả lời các câu hỏi – giải đáp nghiệp vụ để đăng trên Trang website của Trường là hoạt động nghiên cứu mang tính bắt buộc cho các khoa, giảng viên. Do đây là hoạt động nghiên cứu mới nên chưa được quy định trong Quy chế năm 2019. Bên cạnh đó, hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo; xây dựng quy định, quy chế theo chức năng, nhiệm vụ của các phòng, khoa, trung tâm trong thực tế đã triển khai, thực hiện, tuy nhiên cũng chưa được quy định trong Quy chế 2019, cần được bổ sung. Còn hoạt động “Xây dựng, biên soạn, chỉnh sửa chương trình, tài liệu, giáo trình” nên bỏ ra khỏi Quy chế vì theo thực tế hoạt động này do Hội đồng chuyên môn Nhà trường tham mưu, đề xuất chứ không thông qua Hội đồng Khoa học Nhà trường;
Thứ hai, Quy chế năm 2019 mới chỉ đưa ra tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ nhiệm, thư ký đề tài mà chưa quy định các trường hợp cá nhân không được đăng ký làm chủ nhiệm như: Đang làm chủ nhiệm 02 đề tài, chuyên đề tính đến thời điểm đăng ký hoặc chưa hết hạn 02 năm đối với đề tài khoa học cấp Trường trọng điểm, cấp Trường và 01 năm đối với đề tài khoa học cấp Khoa, chuyên đề kể từ khi có kết quả đánh giá, nghiệm thu mức “không đạt” hoặc bị chấm dứt thực hiện đề tài, chuyên đề do vi phạm hợp đồng nghiên cứu;
Thứ ba, Quy chế năm 2019 mới chỉ quy định đình chỉ việc thực hiện đề tài, chuyên đề trong trường hợp quá hạn hoặc xét thấy chủ nhiệm đề tài, chuyên đề không thể tiếp tục thực hiện đề tài, chuyên đề mà chưa có quy định về thay đổi chủ nhiệm đề tài, chuyên đề, chấm dứt thực hiện hợp đồng nghiên cứu vì trong thực tế có trường hợp vì lý do khách quan, chủ nhiệm đề tài, chuyên đề không thể tiếp tục thực hiện đề tài, chuyên đề nhưng Hiệu trưởng nhận thấy việc thực hiện đề tài, chuyên đề vẫn cần thiết, khả thi, Hiệu trưởng ra quyết định thay đổi chủ nhiệm đề tài, chuyên đề và thời gian thực hiện đề tài, chuyên đề; ký lại hợp đồng nghiên cứu với chủ nhiệm đề tài, chuyên đề được thay đổi;
Thứ tư, trong thủ tục đề xuất, xác định, tuyển chọn đề tài, Quy chế năm 2019 chưa quy định trường hợp khi chưa hết hạn nộp hồ sơ đăng ký, người đăng ký có quyền rút hồ sơ, thay hồ sơ mới, bổ sung hoặc sửa đổi hồ sơ đã gửi. Mọi bổ sung, sửa đổi hoặc hồ sơ mới phải được nộp trong thời hạn quy định;
Thứ năm, Quy chế năm 2019 mới quy định thời hạn sửa thuyết minh theo ý kiến góp ý của Hội đồng mà chưa quy định nếu quá thời hạn theo quy định mà chủ nhiệm không sửa thuyết minh thì có chế tài như thế nào;
Thứ sáu, để đồng bộ với quy định mới của Thanh tra Chính phủ (TTCP) và động viên, khuyến khích các cán bộ, giảng viên tích cực viết bài nghiên cứu trao đổi đăng trên báo, tạp chí, trang website của TTCP hay của Trường, Quy chế năm 2023 bổ sung thêm quy định điểm cộng và xếp loại xuất sắc đối với đề tài, chuyên đề mà chủ nhiệm có bài viết được đăng trên báo, tạp chí, website; và đề tài chỉ được đánh giá, xếp loại “Xuất sắc” nếu đáp ứng thêm tiêu chí này;
Thứ bảy, Quy chế năm 2019 chưa quy định rõ việc hoàn thiện và chuyển giao sản phẩm kể cả đối với đề tài, chuyên đề xếp loại “không đạt”;
Thứ tám, ngoài ra Quy chế cần được chỉnh sửa về kỹ thuật sử dụng từ ngữ cho chính xác, hợp lý (ví dụ, trước là Phòng Khoa học, Thông tin và Tư liệu thì nay là Trung tâm Tư liệu, Khoa học và Dịch vụ…)…
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý hoạt động khoa học của TCBTT, căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ; Hiệu trưởng TCBTT ban hành “Quy chế quản lý hoạt động khoa học của TCBTT” kèm theo Quyết định số 280 ngày 29/5/2023 thay thế cho Quy chế quản lý khoa học của TCBTT năm 2019.
II. Bố cục, nội dung và những điểm mới trong Quy chế quản lý hoạt động khoa học của Trường Cán bộ Thanh tra năm 2023
1. Về bố cục, nội dung
Quy chế năm 2023 gồm 04 chương, 25 điều. Chương 1 quy định về các nội dung: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; nguyên tắc nghiên cứu khoa học và quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học; các hoạt động nghiên cứu khoa học; nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; thời gian thực hiện đề tài, chuyên đề khoa học; chủ nhiệm, thư ký đề tài, chuyên đề; thay đổi chủ nhiệm đề tài, chuyên đề, chấm dứt thực hiện hợp đồng nghiên cứu; hội đồng tư vấn; cơ quan quản lý.
Chương 2 quy định việc tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học của TCBTT bao gồm: Mục 1. Trình tự, thủ tục đăng ký, tuyển chọn, phê duyệt và nghiệm thu đề tài, chuyên đề (gồm các bước: đề xuất, xác định, tuyển chọn và phê duyệt; ký hợp đồng và triển khai thực hiện đề tài, chuyên đề; nghiệm thu; hoàn thiện, chuyển giao sản phẩm và công nhận kết quả thực hiện đề tài, chuyên đề; ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn); Mục 2. Quản lý các bài viết đăng trên báo, tạp chí, trên trang thông tin điện tử; câu hỏi giải đáp nghiệp vụ và các hoạt động khoa học khác.
Chương 3 quy định về kinh phí chi cho hoạt động nghiên cứu khoa học gồm các nội dung: kinh phí chi cho các hoạt động khoa học; tạm ứng và quyết toán kinh phí đối với các đề tài, chuyên đề.
Chương 4 quy định về khen thưởng, xử lý vi phạm, chế độ thông tin báo cáo và điều khoản thi hành.
2. Những điểm mới trong Quy chế
Quy chế năm 2023 kế thừa nội dung của Quy chế năm 2019 về các nội dung như: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Nguyên tắc nghiên cứu khoa học và quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học; nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; trình tự, thủ tục; chủ nhiệm, thư ký đề tài, chuyên đề; hội đồng tư vấn, cơ quan quản lý; trình tự, thủ tục đăng ký, tuyển chọn, phê duyệt và nghiệm thu đề tài, chuyên đề; kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học; khen thưởng, xử lý vi phạm, chế độ thông tin báo cáo… Bên cạnh những nội dung này, Quy chế năm 2023 điều chỉnh, bổ sung một số nội dung quan trọng như sau:
Thứ nhất, về tên Quy chế thêm chữ “hoạt động” thành “Quy chế quản lý hoạt động khoa học của TCBTT” để bao quát các hoạt động khoa học của Nhà trường;
Thứ hai, Quy chế năm 2023 về đối tượng áp dụng bổ sung thêm “các tổ chức, cá nhân khác có liên quan” vì có trường hợp thành viên Hội đồng tư vấn là người ngoài Trường;
Thứ ba, Quy chế năm 2023 thêm 3 hoạt động nghiên cứu khoa học: Tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học (là tổ chức hoạt động nhằm chia sẻ, thảo luận, bàn bạc, đưa ra ý kiến chuyên sâu về một chủ đề nhất định giữa những người có chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm); Xây dựng và trả lời câu hỏi – giải đáp nghiệp vụ đăng trên Trang thông tin điện tử tổng hợp của Nhà trường; Xây dựng các quy định, quy chế theo chức năng, nhiệm vụ của các phòng, khoa, trung tâm;
Bỏ 01 hoạt động nghiên cứu khoa học: “Xây dựng, biên soạn, chỉnh sửa chương trình, tài liệu, giáo trình” vì theo thực tế hoạt động này do Hội đồng chuyên môn Nhà trường tham mưu, đề xuất chứ không thông qua Hội đồng Khoa học Nhà trường.
Thứ tư, Quy chế năm 2023 quy định thời gian thực hiện đề tài cấp Trường trọng điểm và cấp Trường từ 12 tháng xuống còn 10 tháng, để làm các thủ tục thanh quyết toán cuối năm cho đề tài.
Thứ năm, Quy chế năm 2023 tại Điều 6 bổ sung thêm điều khoản quy định cá nhân không được đăng ký làm chủ nhiệm nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Đang làm chủ nhiệm 02 đề tài, chuyên đề tính đến thời điểm đăng ký; Chưa hết hạn 02 năm đối với đề tài khoa học cấp Trường trọng điểm, cấp Trường và 01 năm đối với đề tài khoa học cấp Khoa, chuyên đề kể từ khi có kết quả đánh giá, nghiệm thu mức “không đạt” hoặc bị chấm dứt thực hiện đề tài, chuyên đề do vi phạm hợp đồng nghiên cứu; Các trường hợp khác do Hiệu trưởng quyết định.
Thứ sáu, Quy chế năm 2023 sửa Điều 7 và chỉnh sửa, bổ sung các nội dung: Trường hợp vì lý do khách quan, chủ nhiệm đề tài, chuyên đề không thể tiếp tục thực hiện đề tài, chuyên đề nhưng Hiệu trưởng nhận thấy việc thực hiện đề tài, chuyên đề vẫn cần thiết, khả thi, Hiệu trưởng ra quyết định thay đổi chủ nhiệm đề tài, chuyên đề và thời gian thực hiện đề tài, chuyên đề; ký lại hợp đồng nghiên cứu với chủ nhiệm đề tài, chuyên đề được thay đổi; Trường hợp quá thời hạn thực hiện đề tài, chuyên đề theo hợp đồng nghiên cứu hoặc xét thấy chủ nhiệm đề tài, chuyên đề không thể tiếp tục thực hiện đề tài, chuyên đề, Hiệu trưởng ra quyết định chấm dứt việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu và xử lý vi phạm hợp đồng nghiên cứu đề tài, chuyên đề.
Thứ bảy, Quy chế năm 2023 tại Điều 10: i) tăng thời hạn từ 10 ngày làm việc lên 10-15 ngày làm việc, kể từ ngày công khai danh mục đề tài, chuyên đề khoa học người đăng ký tuyển chọn đề tài, chuyên đề gửi hồ sơ cho Trung tâm Tư liệu, Khoa học và Dịch vụ;
ii) Bổ sung thêm điểm c: Khi chưa hết hạn nộp hồ sơ đăng ký, người đăng ký có quyền rút hồ sơ, thay hồ sơ mới, bổ sung hoặc sửa đổi hồ sơ đã gửi. Mọi bổ sung, sửa đổi hoặc hồ sơ mới phải được nộp trong thời hạn quy định.
iii) Bổ sung thêm nội dung “Thành viên Hội đồng là người có trình độ đào tạo và chuyên môn phù hợp, có kinh nghiệm về lĩnh vực nghiên cứu của đề tài. Cá nhân đăng ký làm chủ nhiệm, thư ký, thành viên nghiên cứu chính của đề tài không được tham gia Hội đồng”.
iv) Tăng thời hạn từ 5 ngày làm việc lên 7 ngày làm việc kể từ ngày công bố kết quả tuyển chọn đề tài, chuyên đề, Chủ nhiệm đề tài, chuyên đề có trách nhiệm chỉnh sửa, hoàn thiện Thuyết minh đề tài, chuyên đề, gửi Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn (thông qua Thư ký Hội đồng tuyển chọn) phê duyệt lần cuối; sau đó Thư ký Hội đồng tuyển chọn chuyển Thuyết minh đã được phê duyệt cho Trung tâm Tư liệu, Khoa học và Dịch vụ tổng hợp và làm các thủ tục tiếp theo.
v) Bổ sung thêm nội dung: Trong trường hợp quá thời hạn trên, Chủ nhiệm đề tài, chuyên đề không chuyển bản Thuyết minh chỉnh sửa theo ý kiến góp ý của Hội đồng về Trung tâm Tư liệu, Khoa học và Dịch vụ thì Trung tâm báo cáo Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Hiệu trưởng cho dừng triển khai thực hiện đề tài, chuyên đề.
Thứ tám, Tại Điều 13. Trình tự, thủ tục nghiệm thu: i) chỉnh sửa điểm a và bổ sung thêm điểm b, c để làm rõ, cụ thêm trình tự nghiệm thu: Hiệu trưởng quyết định thành lập Hội đồng đánh giá, nghiệm thu từ 05 thành viên trở lên đối với đề tài cấp Trường trọng điểm, cấp Trường (trong đó có 02 ủy viên phản biện) và 03 thành viên trở lên đối với đề tài khoa học cấp Khoa, chuyên đề khoa học (trong đó có 01 ủy viên phản biện). Thành viên Hội đồng đánh giá, nghiệm thu là người có trình độ đào tạo và chuyên môn phù hợp, có kinh nghiệm sâu sắc về lĩnh vực nghiên cứu của đề tài, chuyên đề. Chủ nhiệm, thư ký, thành viên nghiên cứu chính của đề tài, chuyên đề không được tham gia Hội đồng đánh giá nghiệm thu. Phiên họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu được tiến hành khi có mặt ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng, trong đó có Chủ tịch, thư ký và ít nhất 01 ủy viên phản biện.
ii) Bổ sung thêm nội dung: Thư ký Hội đồng có trách nhiệm chuẩn bị tài liệu và phối hợp với Trung tâm Tư liệu, Khoa học và Dịch vụ tổ chức phiên họp đánh giá, nghiệm thu. Tài liệu phục vụ phiên họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu bao gồm: Quyết định thành lập Hội đồng đánh giá, nghiệm thu; Hồ sơ đề tài, chuyên đề theo quy định tại khoản 1, Điều 13 Quy chế này; Phiếu nhận xét kết quả nghiên cứu đề tài, chuyên đề (theo Mẫu 19 – PNXKQ); Phiếu đánh giá, nghiệm thu đề tài, chuyên đề (theo Mẫu 20 – PĐGNT); Phiếu tổng hợp kết quả đánh giá nghiệm thu đề tài, chuyên đề (theo Mẫu 21 – THĐGNT); Tài liệu khác (nếu có). Nội dung phiên họp được lập thành biên bản (theo Mẫu 22 – BBHĐNT).
Thứ chín, Quy chế năm 2023 có quy định mới trong điểm về giá trị ứng dụng: i) bổ sung thêm nội dung, yêu cầu: Về giá trị ứng dụng, tối đa 25 điểm, trong đó: Giá trị ứng dụng trong hoàn thiện thể chế, chính sách; hoạt động nghiệp vụ thanh tra; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; công tác đào tạo bồi dưỡng; trong các lĩnh vực khác: tối đa 15 điểm; Có ít nhất 01 bài viết, nghiên cứu đăng trên báo, tạp chí: Bài viết đăng trên Tạp chí thanh tra, Tạp chí chuyên ngành tối đa 10 điểm; bài viết đăng trên Trang website Nhà trường tối đa 5 điểm.
ii) Bổ sung điều kiện đề tài, chuyên đề xếp loại “xuất sắc” cần có thêm điều kiện có bài viết, nghiên cứu đăng trên báo, tạp chí theo quy định tại khoản 3, Điều 13 Quy chế này.
iii) Cuối điểm b bổ sung thêm nội dung: “Khi thành viên Hội đồng nghiệm thu có tổng số điểm đánh giá chênh lệch từ 20% trở lên so với điểm đánh giá trung bình của các thành viên Hội đồng còn lại thì Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu quyết định việc chấp nhận điểm đánh giá của thành viên này hoặc chỉ tính kết quả điểm của các thành viên còn lại của Hội đồng.”
Thứ mười, Quy chế năm 2023 bổ sung thêm yêu cầu đối với đề tài, chuyên đề đánh giá “không đạt”: Đối với đề tài, chuyên đề được đánh giá loại “không đạt”, chủ nhiệm đề tài, chuyên đề có trách nhiệm nộp 01 bộ sản phẩm bản in theo quy định tại khoản 1 điều này (đóng thành quyển, trình bày theo hướng dẫn tại Mẫu 17-HTBC kèm theo file mềm).
Thứ mười một, tại Điều 19. Các hoạt động khoa học khác: bổ sung thêm khoản 2 về Xây dựng và trả lời câu hỏi – giải đáp nghiệp vụ đăng trên Trang thông tin điện tử tổng hợp của Nhà trường: Cuối năm, các khoa tổng hợp số lượng câu hỏi khoa xây dựng, trả lời gửi về Trung tâm Tư liệu, Khoa học và Dịch vụ xác nhận, tổng hợp và báo cáo Hội đồng Khoa học./.
ThS. Nguyễn Thị Thùy Trang
Trung tâm Tư liệu, Khoa học và Dịch vụ
Trường Cán bộ Thanh tra
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn http://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)