Tại
kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIV vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua
Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 (Luật PCTN). Luật PCTN năm 2018 quy định về
phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp
luật về PCTN. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để toàn xã hội thực hiện việc đấu
tranh, phòng ngừa, phát hiện tham nhũng và xử lý hành vi tham nhũng.
Luật
PCTN 2018 có rất nhiều điểm mới căn bản so với Luật PCTN trước đây, một trong
những nội dung quan trọng của Luật PCTN 2018 là mở rộng phạm vi điều chỉnh của
Luật ra khu vực ngoài Nhà nước, trên cơ sở đó, xác định các hành vi tham nhũng.
Quy định này thể hiện tinh thần từng bước mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật
đối với khu vực ngoài Nhà nước cho phù hợp với quan điểm chỉ đạo tại Kết luận
số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị
quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác
PCTN, lãng phí; đồng bộ quy định của Bộ luật Hình sự khi đã mở rộng quy định
việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm về chức vụ trong các tổ
chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước; phù hợp với yêu cầu của Công ước Liên Hợp
Quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.
1. Quy
định của Pháp luật về hành vi tham nhũng
Luật
Phòng, chống tham nhũng năm 2005 xác định: Tham nhũng là hành vi của người có
chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Theo đó, tại
Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, các hành vi tham nhũng bao gồm:
Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm
quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền
hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;
Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để
giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi
dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi; Nhũng
nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ,
quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở,
can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra,
truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Tại
Khoản 1, Điều 3 Luật PCTN 2018, kế thừa quan niệm về hành vi tham nhũng của
Luật PCTN 2005, theo đó, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ quyền hạn,
đã lợi dụng chức vụ quyền hạn đó vì vụ lợi. Tuy nhiên, tại Điều 2, các hành vi
tham nhũng được chia thành hai loại: Các hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà
nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà
nước thực hiện và các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước do người
có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức, khu vực Nhà nước thực hiện,
cụ thể:
– Các
hành vi tham nhũng trong và ngoài khu vực Nhà nước do người có chức vụ,
quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước thực hiện, bao gồm:
Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm
quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền
hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ
lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức,
đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép
tài sản công vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện, thực hiện không
đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp
trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra,
truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
– Các
hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn
trong doanh nghiệp, tổ chức, khu vực Nhà nước thực hiện, bao gồm: Tham ô tài
sản; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh
nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
2. Một
số điểm mới của Luật Phòng chống tham nhũng 2018 về hành vi tham nhũng
Như
vậy, so với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 về hành vi tham
nhũng, thì quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có một số điểm
mới sau:
– Thứ
nhất: Về cơ bản các hành vi tham nhũng vẫn được giữ nguyên, nhưng trong Luật
Phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định chung liệt kê thành 12 hành vi tham
nhũng, tuy nhiên trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 phân chia thành 02
nhóm chính, trong khu vực Nhà nước và ngoài khu vực Nhà nước.
Việc
xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng có vai trò quan trọng
đối với cả khu vực trong và ngoài Nhà nước. Vì vậy Luật PCTN 2018 quy định
trách nhiệm của tất cả các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nói chung trong việc
xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng
xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng. Bên cạnh đó, Luật quy
định áp dụng bắt buộc một số chế định của Luật đối với một số loại hình tổ chức
xã hội, doanh nghiệp, gồm: Công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã
hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân
cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng
góp của nhân dân để hoạt động từ thiện. Đây là các doanh nghiệp, tổ chức có huy
động vốn đóng góp của nhiều cổ đông, hoạt động của loại hình doanh nghiệp này
(Công ty đại chúng) có ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế
hoặc có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện, nên dễ
phát sinh tham nhũng, do đó cần áp dụng một số biện pháp phòng, chống tham
nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.
Việc
quy định này là hoàn toàn phù hợp với cơ cấu tổ chức của Nhà nước cũng như phân
loại được đối tượng tham nhũng, phù hợp với tình hình thực tiễn ở nước ta. Đồng
thời, việc mở rộng vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng sang khu vực ngoài
Nhà nước là phù hợp với xu hướng của quốc tế.
– Thứ
hai: Kết cấu trong một số hành vi được quy định lại như sau:
Để
đảm bảo tính đồng bộ trong việc xác định hành vi tham nhũng như trên, một số
hành vi có cơ cấu lại cho phù hợp, thống nhất với việc nhận diện hành vi tham
nhũng trong tình hình mới, cụ thể:
Hành
vi “Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn
để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi”
được sửa đổi “Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan,
tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi”
Hành
vi “Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi” được sửa đổi “Không thực hiện,
thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi”.
Trên
cơ sở đó, việc “xử lý người có hành vi tham nhũng” theo quy định của Luật PCTN
2005 trước đây, được thay bằng “xử lý tham nhũng” nhằm phù hợp với phạm vi điều
chỉnh của luật, bao gồm cả việc xử lý người có hành vi tham nhũng, xử lý cơ
quan, tổ chức, cá nhân có hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham
nhũng. Điều này thể hiện sự nghiêm minh trong xử lý tham nhũng và các hành vi
vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Những
quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 nói chung và những sửa đổi,
bổ sung trong việc xác định hành vi tham nhũng nói riêng, sẽ là cơ sở pháp lý
quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả thực thi Luật PCTN và hiệu quả công tác
phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới./.
TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy –
Phó Trưởng Khoa QLNN và PCTN
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn http://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)