TÓM TẮT KẾT QUẢ
NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI/ CHUYÊN ĐỀ KHOA HỌC
Loại
đề tài: Chuyên đề khoa học
Tên chuyên đề: “Biện pháp thu thập,
kiểm tra, đánh giá chứng cứ trong giai đoạn trực tiếp tiến hành một cuộc thanh
tra”.
Chủ nhiệm chuyên đề: ThS. Dương Mạnh
Hùng
Chức vụ: Phó Trưởng khoa Nghiệp vụ
thanh tra
ĐT: 0989628511
Email: dmhung70@gmail.com
Cơ quan chủ trì đề tài: Trường Cán
bộ Thanh tra
Cơ quan và cá nhân phối hợp thực
hiện: Khoa Nghiệp vụ thanh tra
Thời gian thực hiện: Năm 2017
1. Mục tiêu nghiên cứu
Từ việc nghiên cứu lý luận và thực
tế về biện pháp thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ trong giai đoạn trực tiếp
tiến hành một cuộc thanh tra để bổ sung giáo án giảng dạy.
2. Nội dung chính
Chuyên đề kết cấu làm 03 chương:
Chương 1: Những vấn đề chung về biện
pháp thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ.
Trong chương này tác giả trình bày
một số khái niệm: Biện pháp; thu thập; kiểm tra; đánh giá; những vấn đề chung
về chứng cứ (khái niệm chứng cứ; các thuộc tính của chứng cứ; phân loại chứng
cứ và thu thập chứng cứ, kiểm tra và đánh giá chứng cứ).
Chương 2: Các biện pháp thu thập,
kiểm tra, đánh giá chứng cứ trong tài liệu và giảng dạy của Trường Cán bộ Thanh
tra.
Trong chương này tác giả trình bày
hai nội dung chính:
Thứ nhất, các biện pháp thu thập,
kiểm tra, đánh giá chứng cứ trong giai đoạn trực tiếp tiến hành thanh tra như:
– Về biện pháp thu thập chứng cứ:
yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, yêu cầu báo cáo; nghiên cứu thông tin,
tài liệu thu thập được, yêu cầu báo cáo, giải trình; niêm phong tài liệu; kiểm
kê tài sản; kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu; tạm giữ tiền, đồ vật, giấy
phép; trưng cầu giám định.
– Về kiểm tra chứng cứ (kiểm tra
chứng cứ; các biện pháp kiểm tra chứng cứ)
– Về đánh giá chứng cứ (đánh giá
chứng cứ; chủ thể đánh giá chứng cứ; ý nghĩa của việc đánh giá chứng cứ; nguyên
tắc đánh giá chứng cứ; cách đánh giá chứng cứ).
Thứ hai, nhận xét, đánh giá (về giáo
trình, tài liệu và giảng dạy; trong thực tiễn).
– Giáo trình nghiệp vụ thanh tra
viên năm 2016 của Trường Cán bộ Thanh tra chưa đưa ra căn cứ pháp lý cụ thể,
chưa trình bày trình tự, thủ tục thực hiện cụ thể và chưa phân tích sâu từng
biện pháp thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ.
– Thời lượng giảng chuyên đề “Chứng
cứ trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo” hiện nay là 08 tiết
là chưa đủ vì nếu thời lượng 08 tiết thì giảng viên chỉ đủ thời gian trình bày
những nội dung cơ bản của chuyên đề mà không có thời gian để trao đổi sâu về
các biện pháp thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, không đưa ra các ví dụ, tình
huống thực tế trong hoạt động thanh tra (Hành chính và chuyên ngành), trong
giải quyết khiếu nại, tố cáo.
– Một số nội dung chưa phù hợp nhau
giữa Luật Thanh tra năm 2010, Nghị định 86/2011/NĐ-CP, Thông tư
05/2014/TT-TTCP. Cụ thể:
Biện pháp “Tạm giữ tiền, đồ vật,
giấy phép” được quy định tại Điều 46, 48 Luật Thanh tra năm 2010 là: Trưởng
đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra “Yêu cầu người có thẩm quyền tạm
giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật khi xét thấy cần ngăn chặn
ngay việc vi phạm pháp luật hoặc để xác minh tình tiết làm chứng cứ cho việc
kết luận, xử lý”.
Theo Khoản 1, Điều 40 Nghị định số
86 năm 2011 của Chính phủ và theo Khoản 5, Điều 25 Thông tư 05 năm 2014 của
Thanh tra Chính phủ thì Trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh
tra ra quyết định tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép.
Như vậy Khoản 5, Điều 25 Thông tư 05
năm 2014 phù hợp với Khoản 1, Điều 40 Nghị định số 86 năm 2011 nhưng không phù
hợp với Điều 48 Luật Thanh tra năm 2010.
– Tại Khoản 2, Điều 58 Luật Thanh tra
năm 2010 có quy định về nghĩa vụ của đối tượng thanh tra “Cung cấp kịp thời,
đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu theo yêu cầu của người ra quyết định
thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, người được giao thực hiện
nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra, thành viên khác của
Đoàn thanh tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác,
trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp”.
Tại Khoản 4, Điều 34 Nghị định
86/2011/NĐ-CP về Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo
cáo, giải trình có quy định: “Trường hợp đối tượng thanh tra không cung cấp,
cung cấp không đầy đủ, không chính xác hoặc cố tình trì hoãn cung cấp thông
tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra thì tùy theo tính chất, mức độ
vi phạm mà Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, công chức được
giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành hoặc người ra quyết định thanh
tra áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Thủ trưởng cơ quan
nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý đối tượng thanh tra”.
Tuy nhiên trên thực tế việc đối
tượng thanh tra chậm cung cấp, cung cấp không đầy đủ, không chính xác, trì hoãn
việc cung cấp là phổ biến nhưng chưa có chế tài xử lý điều này làm ảnh hưởng
tới thời gian thanh tra trực tiếp.
– Trong giáo trình đưa biện pháp
kiểm kê tài sản là một biện pháp thu thập chứng cứ. Tuy nhiên theo quan điểm cá
nhân tôi thì biện pháp kiểm kê tài sản nằm trong biện pháp kiểm tra, xác minh
thực tế thì phù hợp hơn.
– Nhà trường chưa có tài liệu chuyên
sâu về các biện pháp thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ trong từng lĩnh vực
cụ thể để học viên nghiên cứu,…
Chương 3: Đề xuất kiến nghị
Thứ nhất, trước mắt: cần bổ sung căn
cứ pháp lý, trình tự, thủ tục và phân tích sâu từng biện pháp thu thập, kiểm
tra, đánh giá chứng cứ trong giáo án của giảng viên giảng dạy. Nếu thời lượng
không đủ thì có thể trao đổi trong buổi thảo luận.
Thứ hai, lâu dài:
– Bổ sung căn cứ pháp lý, trình tự,
thủ tục thực hiện từng biện pháp thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ trong
giáo trình chuyên đề: “Chứng cứ trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu
nại, tố cáo” chương trình thanh tra viên;
– Tăng thời lượng chuyên đề: “Chứng
cứ trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo” chương trình thanh
tra viên từ 08 tiết như hiện nay lên 12 tiết.
– Đề xuất đưa biện pháp kiểm kê tài
sản vào trong biện pháp kiểm tra, xác minh thực tế.
– Viết tài liệu chuyên sâu về các
biện pháp thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ trong từng lĩnh vực cụ thể:
thanh tra hành chính, thanh tra từng chuyên ngành, trong giải quyết khiếu nại,
trong giải quyết tố cáo.
– Bổ sung chế tài xử lý trong trường
hợp đối tượng thanh tra chậm cung cấp, cung cấp không đầy đủ, không chính xác,
trì hoãn việc cung cấp thông tin, tài liệu.
– Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng
cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thanh tra đặc biệt bồi dưỡng
chuyên sâu. Bố trí, sắp xếp, phân công công việc trong đoàn đúng người, đúng
việc, đúng chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra.
– Đề xuất sửa đổi những nội dung
chưa phù hợp nhau giữa Luật Thanh tra năm 2010, Nghị định 86/2011/NĐ-CP, Thông
tư 05/2014/TT-TTCP theo hướng tăng quyền cho chủ thể thanh tra.
3. Kết quả chính đạt được
Dựa trên lý luận, cơ sở pháp lý,
chuyên đề phân tích biện pháp thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ trong tài
liệu giáo trình của Trường Cán bộ Thanh tra hiện nay; mặt khác qua thực tiễn
thực hiện các biện pháp thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ trong giai đoạn
trực tiếp tiến hành thanh tra để từ đó đưa ra được những khó khăn, thuận lợi,
ưu điểm, hạn chế và đề ra được những nhóm giải pháp mang tính lý luận, cơ sở
pháp lý bổ sung giáo án giảng dạy của giảng viên nhằm nâng cao chất lượng giảng
dạy, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường Cán bộ Thanh tra hiện nay đồng
thời ứng dụng các biện pháp thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ trong thực
tiễn nhằm nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra./.
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn http://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)