Chính phủ kiến tạo phát triển và một số liên hệ với Việt Nam
“Chính phủ kiến tạo” hay “Nhà nước kiến tạo” là những khái niệm bắt đầu hình thành ở Việt Nam từ năm 2014 và đặc biệt được sử dụng nhiều trong những tuyên bố chính trị của Chính phủ cho đến nay. Những bước đi ban đầu trong hoạt động mà Chính phủ Việt Nam đang tiến hành cho thấy một quyết tâm chính trị mới: Nhà nước đang tìm cách thay đổi chức năng của mình trong quan hệ với thị trường.
Trước khi thử nhìn nhận về triển vọng của Chính phủ kiến tạo phát triển ở Việt Nam, nên cùng nhìn lại thực tiễn về nhà nước kiến tạo phát triển vốn đã rất thành công ở các quốc gia châu Á, đặc biệt là các nước Đông Á.
1. Chính phủ kiến tạo phát triển: Lý thuyết và kinh nghiệm trên thế giới
1.1. Nguồn gốc
Sự ra đời của chính phủ kiến tạo phát triển có cơ sở thực tiễn và lý luận. Về mặt thực tiễn, ý tưởng về một nhà nước kiến tạo, phát triển xuất phát từ thời kỳ hậu hiện đại, khi mà thị trường dường như thất bại, nhà nước phải đối diện với các vấn đề về cạnh tranh kinh tế không lành mạnh; thâm hụt tài sản công. Đứng trước bối cảnh đó, cần có một nhà nước can thiệp mạnh mẽ vào kinh tế khả dĩ tạo nên bước chuyển lớn trong phát triển. Nhà nước kiến tạo phát triển xuất hiện trong bối cảnh các thị trường sản xuất còn kém phát triển, do đó nhà nước cần phải đứng ra làm trung gian để kết nối các nguồn lực trong thời gian đợi các thị trường yếu tố sản xuất hình thành. Phải nói rằng chính những bất lợi tự thân của các quốc gia Bắc Á là mảnh đất nảy sinh Nhà nước kiến tạo phát triển. Ví dụ: Các quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản đều đối mặt với những thách thức rất lớn và cận kề: Nhật Bản với sự hiện diện của chiến hạm Mỹ, Hàn Quốc với mối nguy từ người láng giềng Bắc Triều tiên. Hơn nữa phần lớn các quốc gia này đều không có nguồn tài nguyên nhiên nhiên dồi dào. Hoàn cảnh khó khăn đã tạo nên động lực thúc đẩy quyết tâm phát triển của xã hội, của đất nước, bắt đầu từ việc nâng cao năng lực thể chế.
Về mặt lý thuyết, sự ra đời của nhà nước kiến tạo phát triển được thôi thúc bởi học thuyết Keynes từ những năm 1930 – về một nhà nước can thiệp mạnh, để đương đầu với các vấn đề về thất nghiệp. Những năm đầu hậu thế chiến thứ hai, trong trào lưu phi thuộc địa hoá, tư tưởng này đã thúc đẩy trong các quốc gia mới giành được độc lập xây dựng đất nước mình. Các quốc gia mới xây dựng đều dành vai trò can thiệp kinh tế cho nhà nước, thường bắt đầu bằng việc lập kế hoạch 5 năm. Nhà nước can thiệp vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế, bằng chính sách và các thiết chế, thông qua việc ấn định giá cả cho hàng hoá, dịch vụ; điều tiết lao động; trao đổi ngoại tệ, thị trường tài chính. Rất nhiều nhà nước thậm chí đã thành lập các doanh nghiệp nhà nước lớn trong các lĩnh vực dịch vụ công ích, khoáng sản, hoạt động nông nghiệp.
Về sau mô hình chính phủ kiến tạo phát triển có sự chuyển đổi so với mô hình quan liêu Keynes của những năm 1950-1960. Nhà nước không can thiệp trực tiếp thông qua tạo lập các rào cản nhân tạo hay độc quyền, mà tạo lập các thể chế mới và các dàn xếp dựa trên mối hợp tác giữa khu vực công và tư.
1.2. Các đặc điểm của chính phủ kiến tạo phát triển
Dựa trên đặc trưng cơ bản của chính phủ kiến tạo phát triển: sự can thiệp vào kinh tế, tác giả Vincent Wei-cheng Wang đã cho rằng chính phủ kiến tạo phát triển được tạo nên từ ba trụ cột chính, đó là:
• Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu cho phát triển kinh tế, với các mục tiêu cụ thể là: tăng trưởng, năng suất, cạnh tranh;
• Để đạt tới mục tiêu đó, chính phủ tích cực can thiệp vào thị trường thông qua việc định hướng, đặt ra quy tắc, điều phối thị trường, chủ yếu là khối tư nhân, bằng chính sách phân bổ nguồn lực và sử dụng những công cụ chính sách đa dạng khác;
• Có một đội ngũ những nhà cầm quyền khá tách biệt khỏi áp lực chính trị, xã hội – có thể coi là những nhà kỹ trị.
Tương tự, PGS. Vũ Minh Khương đưa ra ba dấu hiệu của chính phủ kiến tạo phát triển: i) ưu tiên phát triển như là mục tiêu hàng đầu, tính chính danh của chính phủ dựa trên sự phát triển; ii) có bộ máy thực thi chuyên nghiệp và tâm huyết; có năng lực thích nghi và học hỏi không ngừng.
Dựa trên một số nghiên cứu của các học giả nước ngoài, chúng tôi có tổng kết một số đặc trưng của chính phủ kiến tạo phát triển như sau:
Thứ nhất, quyết tâm và cam kết chính trị tạo nên thành công của chính phủ kiến tạo phát triển
Sự xuất hiện của thị trường hợp lý trong các nhà nước kiến tạo, phát triển dễ làm người ta nhầm lẫn rằng thị trường là điều hiển nhiên, tự có và quy định các nội dung của nhà nước kiến tạo phát triển. Nhưng thực ra thị trường hợp lý đó là sản phẩm của hệ thống kế hoạch tập trung từ nhà nước (Johnson). Thị trường không phải là yếu tố đầu tiên trong nhà nước kiến tạo phát triển. Nói cách khác, thị trường được tạo ra bởi nhà nước và chính trị. Như học giả Pierre Judet đã nhận định: “Ở các quốc gia phát triển châu Á, thị trường tự do không phải là mục đích tự thân mà đúng hơn là những công cụ để đạt đến mục tiêu đặt ra bởi sự phát triển công nghiệp và bởi giới cầm quyền”.
Cũng như vậy, Weiss và Thurbon kết luận rằng mấu chốt của nhà nước kiến tạo, phát triển không phải là chính sách mà quan trọng hơn là sự tồn tại của ý chí chính trị duy trì để điều hành thị trường phù hợp với nguyện vọng phát triển.
Như vậy chính trị là yếu tố đầu tiên làm nên nhà nước kiến tạo, phát triển. Tuy nhiên sự dấn thân chính trị cũng hàm chứa không ít rủi ro: i) khả năng độc đoán của bộ máy cầm quyền sẽ quyết định khá độc đoán những chính sách kinh tế lớn, nếu thiếu đi những cân nhắc, thảo luận đa chiều sẽ dễ dẫn đến những quyết sách chưa hợp lý, mà ở Việt Nam, xu hướng đáng lo ngại là quay trở về nền kinh tế tập trung, mệnh lệnh hành chính thời bao cấp; ii) rủi ro từ việc câu kết nhóm lợi ích của các tập đoàn kinh tế lớn trong quốc gia sẽ chi phối đến các quyết định của Nhà nước. Và muốn tránh điều này, nhà nước kiến tạo cần có sự chủ động, thậm chí là ra điều kiện trong mối quan hệ với các nhóm lợi ích. Các điều kiện đó được thể hiện trong các danh mục ưu tiên của quốc gia và phản ánh trong định hướng chính trị. Định hướng chính trị phải rõ ràng và được thực thi nhất quán trong toàn bộ quá trình hoạt động nhà nước.
Thứ hai, một bộ máy hành chính điều hành kinh tế
Sự can thiệp mạnh mẽ của Nhà nước vào hoạt động kinh tế được thể hiện tập trung qua thiết chế: một bộ máy hành chính điều hành nền kinh tế. Thông thường đó là một một cơ quan chủ quản về kinh tế nằm trong Chính phủ. Ví dụ ở Hàn Quốc, đó là sự hiện diện của Uỷ ban Kinh tế Kế hoạch, vừa có chức năng lập kế hoạch, vừa có chức năng kiểm soát nền kinh tế. Cơ quan này điều phối các hoạt động giữa Bộ Thương mại và Công nghiệp, các ngân hàng, và doanh nghiệp Nhà nước.
Vai trò của bộ máy điều hành hết sức nổi bật trong nhà nước kiến tạo phát triển. Viết về chức năng chiến lược của một bộ máy hành chính có khả năng và có tính công bằng, theo học giả Evans: “Hiệu quả của nhà nước kiến tạo phát triển phụ thuộc vào một bộ máy hành chính công với ý thức mạnh mẽ về bản sắc công ty và một tập hợp các liên kết mang tính thể chế cho các nhà lãnh đạo khu vực tư nhân” (Evans 1989: 561, 575). Cũng như vậy, học giả này cho rằng: Nhà nước kiến tạo phát triển chỉ hoạt động tốt trên cơ sở một bộ máy hành chính mạnh mẽ, chuyên nghiệp, có thẩm quyền và khá tách rời khỏi các áp lực xã hội.
Weiss chỉ ra ba yếu tố cơ bản để Nhà nước kiến tạo tham gia vào kinh tế toàn cầu hoá: việc xây dựng các mục tiêu chuyển đổi, sự tồn tại của một cơ quan thí điểm, và hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Trong số các yếu tố đó, vai trò chính của Chính phủ là bảo đảm môi trường kinh tế lành mạnh: “Chức năng của họ không phải là đưa ra chính sách mà là tạo ra không gian cho bộ máy quan liêu vận hành và đồng thời hoạt động như một “van an toàn” bằng cách buộc các bộ máy hành chính phải đáp ứng nhu cầu của các nhóm trên cơ sở sự ổn định của hệ thống. Nhà nước có vai trò tự chủ tương đối trong khi vẫn duy trì ổn định chính trị”.
Như vậy, liên hệ với Việt Nam, có thể thấy rằng việc bộ máy hành chính cần tập trung vào không phải là các quyết sách kinh tế cụ thể mà là xây dựng các khuôn khổ chính sách vĩ mô, thiết lập môi trường kinh tế lành mạnh, ổn định. Song song với đó, cần thiết lập một chế độ pháp quyền, trong đó mọi chủ thể tuân thủ pháp luật một cách thống nhất, bình đẳng và từ đó tạo lập ra sự ổn định để phát triển kinh tế.
Thứ ba, nền kinh tế dựa trên khu vực tư, có định hướng của nhà nước
Chính phủ kiến tạo phát triển không trực tiếp thực thi các hoạt động kinh tế mà chỉ kiến thiết, tạo lập một nền kinh tế phát triển.
Đối tượng chủ đạo để làm bàn đạp cho nền kinh tế phát triển là khu vực tư. Kinh tế tư nhân là một thành tố quan trọng trong chính phủ kiến tạo và phát triển, đến mức người ta cho rằng qua những minh chứng lịch sử cho thấy, chính phủ kiến tạo phát triển thậm chí mang bản chất tư bản.
Nhà nước sử dụng một loạt công cụ thể chế để khuyến khích sự phát triển của các thành phần kinh tế trong nước và quốc tế. Các công cụ này bao gồm việc sử dụng có chọn lọc và có chiến lược chính sách bảo hộ, cung cấp các chương trình trợ cấp công nghiệp và các chương trình phù hợp với các tiêu chuẩn và tiêu chuẩn thực hiện, và tạo ra các liên minh kinh doanh giữa vốn công nghiệp, vốn tài chính và nhà nước. Vai trò của pháp luật bảo đảm cho việc ghi nhận, ổn định các công cụ kinh tế đó. Chính phủ giữ vai trò chủ đạo trong định hướng kinh tế, điều phối dự án và cung cấp thông tin, và kiểm soát tài chính. Chính phủ chú trọng khơi gợi mọi tiềm năng của khu vực tư, thông qua việc tạo lập môi trường kinh tế thuận lợi; việc mở rộng sự hợp tác rộng và sự trao đổi giữ khu vực công và tư.
2. Chính phủ kiến tạo phát triển ở Việt Nam
2.1. Bối cảnh
Sự lựa chọn chính phủ kiến tạo phát triển hoàn toàn phù hợp dựa trên những nền tảng sẵn có về chính trị, xã hội, văn hoá và thiết chế nhà nước ở Việt Nam. Nhưng cao hơn cả, chính phủ kiến tạo phát triển đáp ứng đúng nhu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh hiện tại.
Về chính trị: Như trên đã nêu, chính phủ kiến tạo phát triển là hình thức được tạo ra bởi ý đồ chính trị, nên cam kết và quyết tâm chính trị giữ vai trò nền tảng. Mục tiêu đổi mới và phát triển kinh tế đã được đề ra từ năm 1986 và mục tiêu này vẫn được khẳng định gần đây nhất trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 28/1/2016: “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”. Nền kinh tế phát triển dựa trên vai trò mạnh mẽ của nhà nước – đó là mục tiêu hoàn toàn phù hợp với những định hướng chính trị hiện hành.
Về tổ chức, năng lực của bộ máy hành chính: Ý tưởng về chính phủ kiến tạo phát triển ở Việt Nam dường như dựa trên những nền tảng hành chính phù hợp:
Từ nền tảng sẵn có là nền kinh tế kế hoạch tập trung, vai trò của các Bộ kế hoạch, chủ quản rất quan trọng trong thời kỳ chiến tranh và trong chừng mực nhất định đã huy động được sức mạnh chung. Tuy nhiên sự chuyển đổi vai trò hiện nay cần đến bộ máy năng động, nắm bắt toàn cảnh thị trường. Điều này cùng đặt ra những yêu cầu đổi mới bộ máy hành chính nhà nước, mà trụ cột là phân cấp phân quyền và đổi mới hoạt động điều hành kinh tế.
Sự phù hợp cũng đến từ những đặc thù lịch sử của bộ máy nhà nước ở Việt Nam. Từ xa xưa, nền hành chính đã được xây dựng và in đậm dấu một nền công vụ kiểu chức nghiệp, truyền thống. Tinh thần trọng sĩ, trọng danh vốn xây đắp và gìn giữ từ văn hoá lâu đời, xây đắp thêm qua các thời kỳ phong kiến, nơi việc làm quan không chỉ (và không phải) vì mục tiêu đãi ngộ mà vì giá trị tinh thần, nơi tầng lớp cai trị được coi là tinh hoa và tách rời dân chúng. “Thiên hạ có đạo thì lễ nhạc, chinh phạt do vua thiên tử quyết định. Thiên hạ vô đạo thì chinh phạt, lễ nhạc do vua chư hầu quyết định. Thiên hạ có đạo thì thứ nhân không được bàn việc nước”.
Về bối cảnh xã hội cũng thuận lợi cho sự hiện diện của bộ máy hành chính kiểu mẫu trong mô hình Nhà nước kiến tạo. Sự thống nhất của hệ thống chính trị, trong hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội – và môi trường khá non trẻ của các hiệp hội tự do ở Việt Nam – tạo thuận lợi cho sự vận hành trơn tru của bộ máy hành chính can thiệp mạnh vào điều hành kinh tế.
Yếu tố văn hoá: Mô hình nhà nước kiến tạo phát triển rất phù hợp với nền văn hoá châu Á. Các giá trị châu Á là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng các thiết chế của nhà nước kiến tạo phát triển: sự coi trọng giáo dục; lao động chăm chỉ, tham vọng làm giàu. Đặc biệt có thể kể đến các yếu tố tinh thần khuyến khích mô hình nhà nước kiến tạo phát triển như tinh thần tự hào dân tộc, yêu nước. Tất cả những yếu tố đó tồn tại đậm nét ở Việt Nam, đặc biệt là lòng yêu nước, tính tự tôn dân tộc.
Nhưng hơn tất cả, đó là đòi hỏi từ thực tiễn: Nhu cầu phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo sẽ là động lực lớn thôi thúc chính phủ kiến tạo phát triển ở Việt Nam.
Sự cần thiết của một nhà nước khơi gợi sự phát triển của thị trường là hiển nhiên đối với các quốc gia thu nhập thấp. Học giả Leftwich đã viết rằng “Ngày nay có vẻ như không tránh khỏi cho bất kỳ xã hội nào thực hiện chuyển đổi nhanh chóng và thành công từ đói nghèo mà không có mô hình Nhà nước tôn trọng ít nhiều đặc trưng của nhà nước kiến tạo phát triển”. Nguyên lý này không là ngoại lệ với Việt Nam – khi phát triển kinh tế được đặt là mục tiêu hàng đầu trong thời gian tới.
2.2. Thách thức và triển vọng
Dẫu có nhiều nền tảng phù hợp, nhưng những thách thức vẫn còn rất nhiều cho chính phủ kiến tạo phát triển ở Việt Nam, trong số đó xin khái quát một số bình diện cơ bản.
Đổi mới về chính trị và thể chế
Quyết tâm chính trị đã là nền tảng cho thành công trong công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ cuối thập niên 1980. Bởi vậy, về mặt thực tiễn, quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước hiện nay là tiền đề thuận lợi cho xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển. Tuy nhiên bên cạnh những khả quan, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra cho sự chuyển biến lâu dài và bền vững. Đặt trong bối cảnh xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, những thách thức về chính trị và thể chế nhà nước ở Việt Nam hiện diện cả ở phương diện tổ chức cũng như hoạt động. Về tổ chức, bộ máy nhà nước còn đồ sộ, cồng kềnh và ít chuyên nghiệp; sự kiểm soát giữa các nhánh quyền lực còn yếu; nạn quan liêu tham nhũng còn tồn tại. Về hoạt động, Nhà nước còn can thiệp nhiều vào hoạt động kinh tế theo kiểu hành chính quan liêu, chưa khơi dậy các tiềm năng của khu vực tư và nhất là chưa tạo lập được môi trường kinh doanh tự do cạnh tranh, bình đẳng và an toàn cho các chủ thể. Nhận xét một cách khái quát “…điều kiện lịch sử riêng có của Việt Nam làm cho những thiết chế công đã bị thương mại hóa, cát cứ, manh mún và thiếu sự giám sát của người dân. Mặc dù đã tiến hành cải cách song nhà nước vẫn tham gia quá nhiều vào hoạt động kinh tế trực tiếp qua các doanh nghiệp nhà nước và gián tiếp thông qua sự gắn kết chặt chẽ với một nhóm đặc quyền trong khu vực tư nhân trong nước”.
Bên cạnh đó còn có những khó khăn mới. Báo cáo Việt Nam 2035 đã chỉ ra thách thức này: “So với 25 năm trước, nhóm lợi ích giờ có nhiều quyền lợi hơn và sẽ chống phá cải cách một cách quyết liệt hơn. Thành công sẽ không còn chắc chắn như lần cải cách trước do phải xử lý khủng hoảng toàn nền kinh tế”. Bởi vậy cần có những cải cách tiếp nối về thể chế để đồng bộ cùng với các bước đi của nhà nước kiến tạo phát triển.
Từ các nghiên cứu mô hình thành công ở Đông Á, bộ máy cầm quyền của nhà nước kiến tạo phát triển được dựa trên hai tính năng: tự chủ và hiệu quả. Cải cách thể chế và chính trị ở Việt Nam trong định hướng xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển phải hướng tới mục tiêu xây dựng một bộ máy hành chính tự chủ và hiệu quả. Cụ thể, để có bộ máy hành chính mạnh, khả dĩ làm trụ cột cho thiết lập và bảo đảm môi trường kinh tế lành mạnh thì bộ máy đó cần được tự chủ và phải được cách ly khỏi những can thiệp chính trị. Bởi vì với bộ máy mang tính kỹ trị thì các nhà kinh tế có thể hoạch định chính sách trên cơ sở khoa học, tính toán thị trường mà ít bị chi phối chính trị, khả dĩ làm sai lệch các chính sách đó. Ở Việt Nam, đó là chìa khoá phân quyền. Phân quyền phải được hiểu là nền tảng của tổ chức bộ máy nhà nước, và bộ máy hành chính nói riêng. Sự phân cấp không chỉ diễn ra trong nội bộ hành chính (trung ương, địa phương; giữa các cấp địa phương; trong các lĩnh vực quản lý) mà trong mối quan hệ với quyền lực nhà nước khác và trong mối quan hệ với chính trị. Sự can thiệp của Đảng cần được phân định rạch ròi với hoạt động của Nhà nước, tạo cho bộ máy quản lý kinh tế có sự tự chủ, điều kiện cốt yếu của Chính phủ kiến tạo. Chức năng, quyền hạn của các cơ quan hành chính nhà nước cần được phân định rõ ràng, từ đó mới tạo ra một nền hành chính hiệu quả. Và để đảm bảo một sự kiểm soát tốt đối với hoạt động nhà nước, chìa khoá cho minh bạch và trách nhiệm giải trình, rất cần một nền tư pháp độc lập, đặc biệt không chịu những áp lực của bộ máy hành chính hay chính trị.
Nền kinh tế phát triển cần dựa trên một nền hành chính vận hành tốt. Muốn vậy, cần phải tạo lập nên kỷ cương trong hoạt động hành chính. Để có đội ngũ lao động chuyên nghiệp, chất lượng cao cần lưu tâm đến những bảo đảm cho công chức: chế độ tiền lương, chế độ giao công việc và đánh giá kết quả công việc. Bên cạnh đó, nhất thiết phải có những ràng buộc, rào chắn chống lại tham nhũng, yếu tố huỷ hoại những nỗ lực của hệ thống công quyền thông qua hệ thống trách nhiệm giải trình.
Về hoạt động, bộ máy nhà nước cần có những chuyển hướng lớn trên bình diện kinh tế. Như đã thấy trong kinh nghiệm thành công ở Đông Á, cốt lõi là Chính phủ phải kết nối và huy động được nguồn lực, sức mạnh của khu vực tư nhân. Muốn như vậy, các chính sách pháp luật cần ổn định, tạo sự bảo đảm chắc chắn về quyền tài sản cho cá nhân, doanh nghiệp; tạo ra môi trường pháp lý ổn định lành mạnh để các thành phần kinh tế yên tâm kinh doanh, hệ thống pháp luật phải minh bạch và các tranh chấp cần được giải quyết công bằng, hiệu quả. Hơn nữa, Nhà nước cần sử dụng tốt các công cụ để khơi gọi mọi nguồn lực xã hội, định hướng phát triển kinh tế như chi tiêu công, là thuế, là tín dụng, là thương quyền… Chính sách kinh tế cần theo hướng mở rộng các hình thức hợp tác công, tư. Vai trò của pháp luật rất quan trọng trong hoạt động của nhà nước kiến tạo phát triển: Làm thế nào để bảo vệ quyền của cá nhân, doanh nghiệp; bảo đảm minh bạch trong quan hệ công, tư.
Tư duy chính trị là tiền đề hàng đầu cho Nhà nước kiến tạo phát triển và điều này rất hiện hữu ở Việt Nam, tuy nhiên chưa phải đều trọn vẹn: nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã và đang là nội dung tiếp tục được nghiên cứu, dựng xây và định nghĩa lại những thành tố cơ bản nhất để giải quyết câu chuyện tư duy, tạo bàn đạp cho thực thi trong thực tiễn. Thêm vào đó, với định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền, bộ máy và thể chế quyền lực từ Trung ương xuống địa phương cần phải vận hành đúng những chuẩn mực của nhà nước pháp quyền.
Sự tham gia
Gia tăng sự tham gia là một phương cách để làm mô hình nhà nước kiến tạo phù hợp với những đòi hỏi của toàn cầu hoá, khắc phục những bất cập về một nền hành chính kỹ trị kiểu tinh hoa. Cần nhìn nhận đúng đắn về chính phủ kiến tạo: lấy phát triển kinh tế là mục tiêu đầu tiên và cơ bản, nhưng phải bù đắp những lệch lạc của thị trường và công cụ bù đắp đó chính là cộng đồng, sự tham gia của nhân dân. “…Chính phủ hướng vào thị trường… Nhưng các cơ chế thị trường mới chỉ là một vế của phương trình. Các thị trường là lạnh lùng. Các thị trường là không khoan dung. Ngay cả những thị trường được tổ chức một cách kỹ càng nhất cũng thường đem lại những hậu quả không công bằng. Chính vì vậy chúng ta cần phải nhấn mạnh đến một vế khác của phương trình: giao quyền cho các cộng đồng. Để bổ sung cho hiệu quả và hiệu lực của các cơ chế thị trường, chúng ta cần phải có tấm lòng nồng hậu của các gia đình và các cụm dân cư, các cộng đồng. Vì các chính phủ kiểu doanh nghiệp rời bỏ các bộ máy quan liêu hành chính nên chúng cần phải theo cả thị trường lẫn cộng đồng”.
Tóm lại, để bù khuyết cho các nhược điểm của thị trường, cần sử dụng bổ khuyết vai trò của cộng đồng, cá nhân và trong quản trị, tương ứng với hai công cụ cơ bản: phân quyền và sự tham gia của người dân.
Tăng cường sự tham gia của dân thể hiện trong rất nhiều hoạt động quản trị nhà nước ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Truyền thống, đó là các kênh dân chủ đại diện như bầu cử, hoạt động của các cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân); thậm chí giám sát phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, hiệp hội. Mới hơn, có nhiều hình thức dân chủ trực tiếp được bổ sung, nổi bật là Quy chế dân chủ cơ sở, cụ thể hoá từng quyền được biết, được bàn, được quyết định và được kiểm tra của người dân nơi thôn, xã. Các quyết định hành chính được ban hành dần có sự tham gia của người dân, điển hình là quy trình tham vấn nhân dân trong ban hành quyết định thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng; quy trình đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại… Cũng rất gần đây, đóng góp trực tiếp vào hoạt động chính quyền, có các kênh phản hồi trực tiếp của người dân như: kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; các kênh đánh giá sự hài lòng của người dân đối với chính quyền như: chỉ số hài lòng của người dân đối với dịch vụ công, chỉ số công lý. Luật Tiếp công dân ra đời thể hiện tư duy mới của chính quyền trong mối quan hệ giữa người dân và cơ quan nhà nước. Báo chí, truyền thông xã hội cũng là kênh giám sát hữu hiệu và đưa ra những nhìn nhận nhiều chiều đối với hoạt động công quyền.
Trên phương diện kinh tế, các hoạt động kinh tế của nhà nước cũng từng bước được triển khai theo hướng “gần dân”. Đó là định hướng lớn về xã hội hoá các dịch vụ công nhằm chia sẻ gánh nặng hay ưu quyền từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân, thông qua việc kêu gọi đấu thầu dịch vụ công; hợp tác công tư; cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước… Một số dịch vụ công cổ điển của nhà nước cũng dần dà được chuyển giao cho khu vực tư, như: công chứng, thừa phát lại, đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục; đăng ký quyền sử dụng đất..: Đặc biệt, đáng lưu ý những diễn đàn doanh nghiệp gần đây, nơi Thủ tướng trực tiếp đối thoại với các doanh nghiệp lớn (300 đại biểu đến từ các doanh nghiệp dân doanh, 50 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 20 hiệp hội doanh nghiệp như AmCham, Eurocham, Phòng Thương mại Hàn Quốc); hoặc những diễn đàn ở cấp nhỏ hơn nhưng cho thấy tinh thần xây dựng của chính quyền và doanh nghiệp trước những quyết định cụ thể trong kinh doanh: đối thoại giữa Bộ Giao thông và Thành phố Hà Nội đối với các doanh nghiệp về việc điều chuyển luồng xe ở bến Mỹ Đình.
Nền dân chủ hiện đại có nội dung cốt lõi là “bất kỳ tập hợp những quan điểm nào, theo đó việc thảo luận một cách công khai của các công dân tự do và bình đẳng là cốt lõi của quá trình ra quyết định chính trị và tự quản hợp pháp”. Áp dụng vào chính trị, đó là hướng tới đồng thuận về các quyết định chính trị phải là nền tảng pháp lý cho việc tìm kiếm giải pháp các vấn đề của tập thể. Thông qua thảo luận, có thể bù đắp những thiếu sót của quan điểm cá nhân và tăng cường chất lượng của quá trình ra quyết định công. Tuy nhiên để trở thành thực tiễn, cần có sự tỉ mỉ và thực chất trong triển khai, để việc công khai thông tin và tiếp nhận phản hồi, tiếp nhận sự tham gia của người dân trở thành hiện thực. Cần bồi đắp nền tảng để thực hiện sự tham gia như: tôn trọng các giá trị chung; một nền giáo dục tốt; một nền văn hoá công cộng. Ở Việt Nam, thêm vào đó cần có các chế tài, cơ chế giám sát để bảo đảm sự tham gia được thực thi một cách hiện thực./.
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh
Khoa Luật ĐHQG Hà Nội
(Nguồn http://giri.ac.vn)
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn http://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)